BẠN CHẮC CHẮN HIỂU VỀ "CÁI TÔI" CỦA MÌNH CHỨ ?

 Cái tôi dưới góc nhìn của phương Tây

    Phương Tây là thánh địa của chủ nghĩa cá nhân, với gốc rễ là cái tôi. Một trong những đại diện của phương Tây đi sâu phân tích và công nhận cái tôi chính là phân ngành Phân tâm học, mà người tiên phong là Sigmund Freud. Theo Freud, cái tôi (ego) là thành phần tâm lý của bộ máy tư duy, cùng với cái ấy (id) và cái siêu tôi (super ego) cấu thành nên bản năng của con người. Cái tôi được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cái tôi là trung gian hòa giải nhằm cân bằng giữa những ham muốn vô thức (cái ấy) và những tiêu chuẩn đạo đức và xã hội (cái siêu tôi). Như vậy, cái tôi là một phần không những mặc định mà còn rất quan trọng của tâm trí con người.

    Descartes, triết gia Pháp lừng danh thế giới, đã để lại một danh ngôn, thường được trích dẫn trên các trang sách của các nhà nghiên cứu: “Tôi tư duy, nghĩa là tôi hiện hữu”. Cái tôi và tư duy gắn liền với nhau, không thể tư duy nếu không có cái tôi. Lại là một sự công nhận cái tôi nữa.


    Suốt 2000 năm văn minh, người Tây phương luôn nương tựa vào một cái tôi có thật, bền vững. Toàn bộ nền văn minh phương Tây đều đặt cơ sở trên cái tôi ấy. Họ suy nghĩ, hành động và định hướng cuộc sống trên cái tôi mà họ hết lòng tin vào năng lực gần như tuyệt đối của nó. Điều này cũng dễ hiểu, nếu chúng ta nhận ra rằng, hết thảy hoạt động trong vũ trụ này, hết thảy sản phẩm do tâm thức con người tạo ra đều bắt đầu từ một cái tôi năng động, thông minh và không chấp nhận sống theo cái đã cũ. Cái tôi đó là duy nhất, là khác biệt, là nổi trội, là ý chí chủ quan của cá nhân mà không quan tâm đến sự tương tác với xã hội.

Cái tôi dưới góc nhìn của phương Đông cổ đại

    Phương Đông lại không đồng thuận với quan điểm này của phương Tây. Với cái nhìn “Vạn vật đồng nhất thể”, Lão tử không chấp nhận cái Tôi của mình đứng tách riêng khỏi cái Tôi bao la vô hạn của vũ trụ. Lão Tử chủ trương: con người muốn hạnh phúc thì nên quên cái tôi của mình (vọng ngã) để hòa nhập với cái tôi lớn lao hơn, cao rộng hơn.     Trang Tử cũng kịch liệt phản đối việc xem con người là trung tâm vũ trụ. Ông cho rằng cái tôi là một giới hạn, chỉ có quên đi cái tôi (vong ngã, vong kỷ, vong vật), thì con người mới có thể sống một cuộc đời vô tận, vô cùng. Điều đó không có nghĩa là ta phủ định cá nhân, mà đó là khẳng định con người tự do, thoát khỏi định kiến, các lề thói phong kiến, chính trị kiểu Nho giáo đầy trói buộc và nặng nề.


Cái tôi dưới quan điểm Phật giáo

    Theo đạo Phật, con người có thân tức là có dục. Vô cầu, vô dục sẽ đạt tới vô ngã, vô ngã là vô khổ. Và Phật giáo, với việc đi sâu soi chiếu bản thân, phát hiện rằng: cái Tôi là không thật có.

    Không có một chủ thể nào gọi là Cái Tôi. Cuộc sống con người chỉ là những chuỗi nghiệp chướng nối tiếp nhau. Có hành động nhưng không có người tạo tác. Có vô số diễn tiến của cuộc sống nhưng không có cái tôi. Đối với những người duy lý thì câu trả lời này có vẻ mâu thuẫn, nghịch lý khó có thể chấp nhận. Tất cả mọi người, đều mang tính chất tâm linh Không Ai Cả. Nhưng chỉ vì vô minh, vọng kiến mà chúng ta vẫn tưởng rằng, mình có một Cái Tôi làm chủ tế cho mọi sinh hoạt đời thường của mình.


Vậy thì, cái tôi là tốt hay xấu?

    Cả cuộc đời con người, độ tuổi cái tôi bộc lộ mạnh mẽ nhất là tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ chênh vênh, chưa hiểu rõ mình là ai, nhưng lại muốn khẳng định mình.

    Cái tôi, xét theo khía cạnh nào đó, có nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó là nguồn động lực cho chúng ta nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, cống hiến. Mong muốn khẳng định bản thân, khát khao tìm hiểu những tiềm năng của bản thân nếu đi đúng hướng sẽ trở thành nguồn nội lực khổng lồ, giúp chúng ta vượt qua những gian nan, thử thách trong công việc và cuộc sống.

    Cái tôi, là điều bắt buộc chúng ta phải ngộ ra và trải qua, nó giống như quy luật Âm Dương tiêu trưởng, Âm có tiêu mới đến thời khắc cho Dương trưởng. Cái tôi có lớn mới tạo hoàn cảnh để chúng ta va vấp với cuộc đời, là cơ hội cho ta suy ngẫm về bản thân, cơ hội để ta trưởng thành. Đi qua cái tôi lớn chúng ta mới có thể hạ nó xuống, mới có thể “diệt ngã”.



    Tuy nhiên, khi phóng đại cái tôi của bản thân quá mức, những mặt tốt đẹp của cái tôi bị lấn át bởi những hậu quả mà nó mang lại. Người chịu hậu quả trực tiếp và mạnh mẽ nhất chính là bản thân chủ thể sở hữu cái tôi. Cái tôi lớn khiến chúng ta nghĩ mình là "cái rốn của vũ trụ", ta là độc tôn. Cuộc đời những người này sẽ là một chuỗi ảo tưởng liên tục, vì ảo tưởng, người ta lừa dối nhau và tâng bốc nhau. Cũng vì cái tôi, người ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và muốn người khác làm nô lệ cho mình.

    Cái tôi lớn còn là rào cản của trí tuệ hiểu biết. Dù có vẻ thông minh sắc sảo, học rộng biết nhiều nhưng sâu thẳm bên trong ta vẫn chỉ là kẻ khờ khạo, chẳng hiểu hết điều gì đang thực sự diễn ra và đâu là bí mật của cuộc sống. Chúng ta không thể trả lời những câu hỏi mấu chốt: chúng ta là ai, đang làm gì và đâu là hướng đi đúng đắn của cuộc đời này? Vì chúng ta cứ bước đi trong mù quáng vô minh. Lúc này, ta đang có chút may mắn và mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, nhưng không ai dám chắc, sau đó mọi việc sẽ diễn biến tiếp thế nào. Sống với cái tôi lớn là tự thuyết phục bản thân rằng mọi thứ sẽ diễn ra như mong ước chứ không dám mở rộng lòng đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến với mình.

Hồi kết

    Nếu muốn thành công và hạnh phúc, chúng ta phải học cách hạ cái tôi của mình xuống. Cả Đạo, Phật, với mức độ khác nhau đều chủ trương phá ngã, vô ngã, vô kỷ, nhưng không hề là một sự “diệt ngã” tuyệt đối. Trái lại, tất cả đều dựa vào phẩm chất cá nhân để giải phóng cho cái tôi nội tại khao khát được tự do.



    7,5 tỷ người trên thế giới là 7,5 tỷ cá thể riêng biệt, 7,5 cách sống khác nhau trong những môi trường khác nhau, dẫn đến 7,5 tỷ cách suy nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, 7,5 tỷ người lại cùng chung sống trong một xã hội và để chung sống được với nhau, chúng ta phải hạ cái tôi của mình xuống. Khi gặp bất cứ chuyện gì đừng vội kết luận đối phương là người thế nào hoặc kết luận họ đã sai. Điều chúng ta nên tìm hiểu đó là tại sao họ lại có hành vi như vậy, khi đã thật sự lắng nghe và tìm hiểu kỹ, bạn sẽ nhận thấy mọi việc không như những gì chúng ta suy đoán. Nếu mọi người ai cũng đều có một thái độ hòa ái để nhìn sự việc, thì cuộc sống quanh ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

    Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình, chiến thắng chính mình mới là chiến công vĩ đại nhất! Chiến thắng chính mình không có nghĩa là chúng ta tự huỷ diệt bản thân, mà là diệt bỏ cái tôi ngạo mạn, là thuần hóa cái bản ngã đầy kiêu hãnh đang ẩn sâu trong mỗi người. Hãy bỏ đi cái tôi kiêu ngạo, cái tham sân si của bản thân, dùng tấm lòng rộng mở và bao dung với những người xung quanh, chúng ta sẽ đón nhận được hạnh phúc.

Nguồn: https://hocxemtuong.com

Sưu tầm by: Mey

Nhận xét

Bài đăng phổ biến