Những kiểu ăn sáng có cũng như không
Các nghiên cứu thập niên 1960 cho thấy thói quen ăn sáng, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ vào ban đêm là ba yếu tố cải thiện sức khỏe và nâng tuổi thọ.
Tuy nhiên, những năm gần đây những vấn đề xung quanh bữa sáng đã phức tạp hơn. Hiện rất nhiều người Mỹ trưởng thành không còn thói quen ngồi ăn một bữa sáng bình thường, theo đài NPR (Mỹ). NPR khảo sát trên mạng xã hội Twitter thì thấy cứ năm người thì có một người bỏ bữa sáng hoàn toàn, chỉ uống cà phê. 25% chỉ ăn sữa chua hay bánh cao năng lượng ở thời điểm nào đó trong buổi sáng.
Theo khảo sát, người Mỹ cũng đang lơi lỏng dần giờ giấc các bữa ăn. Xu hướng này rõ nhất ở những người trẻ, tỉ lệ bỏ bữa sáng của họ cũng gấp đôi người Mỹ lớn tuổi. Những người trẻ này khi có thời gian cho bữa sáng thì lại có khuynh hướng chọn những món ăn cao năng lượng, nhiều bột đường, chất béo thay cho ngũ cốc như trước kia.
Theo NPR, với đà thay đổi thói quen ăn sáng như hiện nay thì bữa sáng không còn là bữa ăn quan trọng nhất như quan niệm lúc trước nữa.
NPR dẫn ý kiến chuyên gia về béo phì David Ludwig tại ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng thật ra ăn món gì vào buổi sáng quan trọng hơn thời điểm ăn nó. Nếu bữa sáng chủ yếu là chất bột đường đã qua chế biến thì thậm chí còn tệ hơn là không ăn sáng. Lý do, các chất bột đường đã qua chế biến có thể làm tăng đường huyết và insulin, ngoài ra nó còn khiến người ăn mau đói. Trong khi đó, một bữa sáng giàu đạm (như trứng) sẽ giúp no lâu.
Điều đáng mừng, theo khảo sát của NPR, vẫn có một bộ phận người trẻ có thể không ăn sáng thường xuyên nhưng khi họ có thời gian và quyết định ăn thì lại chọn ăn một bữa sáng lành mạnh, giàu protein. Và xu thế này đang tăng dần.
Theo THIÊN ÂN/Phapluattp.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét