Trẻ thông minh hơn nhờ chế độ ăn uống đặc biệt... dễ làm
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Hồ Thống Nhất, từ khi con người mới sinh ra, yếu tố di truyền ảnh hưởng khá lớn đến trí tuệ và chỉ số thông minh của mỗi cá nhân. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trí thông minh của con người không phải là cố định mà vẫn tiếp tục hình thành và phát triển theo thời gian. Ngoài di truyền, trí thông minh còn phụ thuộc vào các yếu tố khác quan trọng không kém đó là thức ăn hấp thụ mỗi ngày và môi trường sinh sống. Nếu dinh dưỡng kém sẽ làm suy giảm trí thông minh và khả năng ghi nhớ.
Giáo sư đầu ngành về nhi nhoa ở Việt Nam là tiến sĩ Hoàng Trọng Kim từng khẳng định: 'Dinh dưỡng là nhân tố quan trọng, quyết định và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ, trong đó có phát triển trí não'. Vì vậy nếu cha mẹ muốn con thông minh, cần lưu ý chế độ ăn uống mỗi ngày cho bé.
Theo bác sĩ Thống Nhất, để trẻ phát triển trí não tốt nhất cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng các nhóm thực phẩm với tỷ lệ cân đối, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất của trẻ theo từng lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Hơn nữa, cần lựa chọn các loại thực phẩm dễ hấp thu, dễ tiêu hóa và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho trí não như:
- Chất béo: Chiếm 60% cấu trúc não bộ trẻ. Trong đó DHA, ARA, ALA giúp hoàn thiện tế bào thần kinh và võng mạc của trẻ. Các chất này có nhiều trong sữa mẹ, đậu nành, dầu cá, trứng, sữa công thức.
- Chất đạm (protein) xây dựng nên tế bào mô và các cơ quan trong đó có não bộ. Chất này tham gia cấu tạo nên hệ thống enzym giúp cơ thể tiêu hóa, hấp thu các dưỡng chất tốt nhất.
- Cholin, taurin, tryptophan có nhiều trong thịt cá, trứng, sữa, đậu nành, mè, giúp phát triển khả năng nhận thức và trí nhớ.
- Lutein có nhiều trong sữa mẹ, rau trái màu xanh đậm, đỏ, cam, một số loại củ quả, lòng đỏ trứng gà có tác dụng giúp hoàn thiện tế bào võng mạc mắt.
- Sắt và axit folic là vũ khí chống dị tật ống thần kinh thai nhi. Các chất này có nhiều trong gan, thịt, trứng, sữa, rau màu xanh đậm, các loại đậu đỗ, mầm lúa mì, lúa mạch..
- Thiếu iốt dẫn đến bệnh suy giáp, đần độn ở trẻ em. I ốt có nhiều trong tảo, rau câu chân vịt, cá biển, cua biển, trứng… Dù vậy, thực phẩm thường không cung cấp đủ nhu cầu iốt cho trẻ nên các chuyên gia khuyên sử dụng thêm muối iốt khi chế biến thực phẩm hoặc uống sữa có bổ sung iốt.
Theo Thi Trân/Vnexpress.net
Nhận xét
Đăng nhận xét