Những thói quen ăn uống có thể khiến bạn ‘mất Tết’
Ngày Tết, thói quen của người Việt là ăn uống có phần quá đà so với ngày thường khi nước uống là các món nước chứa ga, thức ăn nhiều mỡ, bánh kẹo ngọt. Những thói quen ăn uống này có thể tạo nên một số vấn đề với hệ tiêu hóa. Cụ thể như gây đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, ợ hơi, đầy hơi, đau bụng, xuất huyết tiêu hóa ở người có tiền sử bệnh dạ dày hành tá tràng…
PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành chia sẻ bí quyết sống khỏe ngày Tết. Ảnh: BV Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cung cấp.
Chia sẻ với PV, PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành, cố vấn chuyên môn cao cấp BV Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, trong quá trình khám chữa bệnh, bản thân ông từng gặp một số ca rất nặng. Cụ thể như có trường hợp bị viêm tụy cấp (do ăn quá nhiều thịt và uống rượu): bệnh nhân có các triệu chứng như đau bụng quằn quoại, ấn đau vùng thượng vị, huyết áp thấp, sốt, buồn nôn/nôn, bụng chướng…
Ngoài ra, có nhiều trường hợp phải nhập việc vì bị xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhân có triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ Tết, không ít trường hợp phải nhập việc vì ngộ độc thức ăn.
Chính vì thế, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khuyến cáo, để phòng tránh những triệu chứng bệnh tiêu hóa trong những ngày Tết, bạn nên chú ý đến các vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thức ăn sạch sẽ đề phòng chứng rối loạn tiêu hóa, tránh ăn các loại thức ăn ôi thiu, hâm lại nhiều lần, bảo quản thực phẩm đúng cách tránh bị nhiễm khuẩn.
Một chế độ ăn uống điều độ sẽ giúp cơ thể bạn khỏe khoắn trong kỳ nghỉ lễ. Bữa sáng và trưa, bạn nên ăn nhiều, tối nên ăn nhẹ nhàng hơn để đảm bảo tiêu hóa được điều độ tránh tình trạng lúc thì tiêu hóa quá nhiều, lúc thì tiêu hóa quá ít gây sức ép cho đường tiêu hóa. Chú ý ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn nhiều thực phẩm giàu đạm và chứa nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, ngày Tết nên hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích để tránh những hậu đáng tiếc không chỉ với hệ tiêu hóa mà còn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
PGS.TS Thành nhấn mạnh, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán khi gặp những triệu chứng sau:
- Đau bụng: đau nhẹ kéo dài hoặc đau quặn từng cơn, thường là đau phần bụng dưới bên trái, cũng có trường hợp đau ở nhiều vị trí khác nhau hoặc đau toàn bụng.
- Đầy hơi: căng bụng, ợ hơi hoặc đánh hơi liên tục. Một số trường hợp có thể có những triệu chứng của bệnh đau dạ dày như ợ chua, đắng hoặc hôi miệng…
- Buồn nôn/Nôn mửa: là triệu chứng thường gặp của các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Khi nôn mửa cơ thể bị mất nước gây mệt mỏi, khó chịu.
- Ngoài ra, nếu bạn thấy có những bất thường sức khỏe (như ra ngoài phân đen hoặc nôn ra máu...) cần đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời hiệu quả.
Theo Đỗ Thơm/Nguoiduatin.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét