Là bác sĩ, tôi vẫn sẽ nhặt thức ăn lên dùng tiếp nếu chúng rơi xuống sàn
Chắc hẳn các bạn từng biết hoặc nghe qua nguyên tắc 5 giây rằng: khi thức ăn bị rớt xuống đất, bạn vẫn có thể ăn nó một cách an toàn miễn là nhặt nó lên trong vòng 5 giây. Thế nhưng, một sự thật phũ phàng rằng dù tốc độ của bạn có nhanh đến đâu, thức ăn vẫn bám vi khuẩn ngay khi vừa rơi xuống đất. Rất nhiều người tin vào nguyên tắc này và nó khiến tôi khá bối rối. Tại sao chúng ta lại chỉ lo lắng mỗi sàn nhà, còn nhiều thứ khác chứa đựng nguy hiểm hơn mà?
(Ảnh: Internet)
Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng tôi chỉ nói về việc thức ăn rơi xuống các vị trí trong nhà, không bao gồm những khu vực ngoài đường. Tôi bắt đầu quan tâm đến nguyên tắc 5 giây nhiều năm về trước khi là đồng tác giả của quyển sách liên quan đến những câu chuyện tương tự trong y học. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều nghiên cứu để có thể khẳng định thức ăn dù chỉ chạm nhẹ lên bề mặt nào đó cũng có thể nhiễm khuẩn và một số chất có hại khác.
Thực tế, không có mốc thời gian nhất định nào có thể đảm bảo thức ăn không bị nhiễm khuẩn khi rơi xuống đất. Dù biết sự thật của nguyên tắc 5 giây nhưng tôi vẫn sẽ ăn nếu thức ăn rơi xuống sàn bếp. Vì sao ư? Bởi vì sàn bếp của tôi không bẩn như bạn nghĩ. Và bạn có biết nhiều nơi trong nhà còn bẩn và chứa nhiều vi khuẩn hơn rất nhiều không?
Charles Gerba, giáo sư về vi sinh học và khoa học môi trường tại Đại học Arizona, Mỹ, đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu sự xuất hiện của vi khuẩn trên bề mặt sàn. Năm 1998, ông cùng cộng sự của mình tiến hành nghiên cứu khả năng đánh bại vi khuẩn của các sản phẩm làm sạch đồng thời kiểm tra bề mặt các khu vực và vật dụng trong nhà.
Kết quả cho thấy cứ 6,5 cm2 sàn nhà bếp sẽ chứa trung bình khoảng 3 khuẩn lạc (hay còn gọi là 'tập đoàn' vi khuẩn). Bất ngờ hơn, con số này còn nhỏ hơn số lượng 5 khuẩn lạc có trong tủ lạnh và kệ bếp tính trên cùng diện tích. Chúng ta lo lắng có nên ăn hay không thức ăn đã rơi xuống sàn nhưng có vẻ như chúng dễ bị nhiễm khuẩn nhiều hơn nếu được bảo quản trong tủ lạnh và kệ bếp.
Tương tự với nhà vệ sinh, bạn tưởng chỗ ngồi đi vệ sinh là bẩn ư? Thật ra nó chỉ chứa khoảng 1 khuẩn lạc tính trên 6,5 cm2. Và tất cả những chỗ còn lại trong phòng tắm chứa nhiều vi khuẩn hơn như gạt nước (gần 35 khuẩn lạc), vòi nước (gần 16 khuẩn lạc)…
Khi tiếp xúc với bàn tay con người, tất cả mọi thứ đều bị bẩn. Chúng ta thường xuyên lau dọn sàn nhà và chỗ ngồi đi vệ sinh – hai nơi được cho là bẩn nhất. Song, chẳng ai nghĩ rằng tủ lạnh và gạt nước lại chính là khu vực cần được làm sạch hơn cả.
(Ảnh: Internet)
Với lý luận logic này, chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều nơi thường xuyên tiếp xúc nhưng ít khi được lau dọn. Đơn cử như kết quả của một nghiên cứu cho thấy, 95% chiếc điện thoại đã qua tay của nhân viên bảo hành bị nhiễm trùng bệnh viện. Trong số những người bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, hơn một nửa bị nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).
Bạn có biết trước khi tiền nằm trong ví mình, đã có biết bao nhiều người từng cầm qua chúng? Các nhà khoa học đã tìm thấy trên tờ 1 đô la Mỹ có đến 94% bị vi khuẩn xâm chiếm (trong đó, 7% có thể gây bệnh cho người khỏe mạnh và 87% còn lại đe dọa sức khỏe của những người có hệ miễn dịch yếu kém). Vậy bạn đã bao giờ vệ sinh những tờ tiền chưa? Chưa hết đâu, những thứ chúng ta tiếp xúc mỗi ngày thật sự khinh khủng hơn sàn nhà rất nhiều như máy ATM, khóa gas, điều khiển TV, bàn phím máy tính, công tắt đèn…
Có bao giờ bạn nghĩ miếng rửa chén là vật dụng bẩn nhất nhà bếp không? Hầu hết chúng ta cho rằng việc tiếp xúc với nước rửa chén đã đủ diệt sạch vi khuẩn và không hề có ý định rửa hay khử trùng chúng. Gerba cho biết có đến hơn 20 triệu khuẩn lạc được tìm thấy trên mỗi 6,5 cm2 của miếng rửa chén.
Thông thường trước thông tin này, mọi người sẽ phản ứng theo hai chiều hướng khác nhau. Một trở nên lo sợ về mọi thứ và bắt đầu lau dọn khắp nơi, thậm chí ám ảnh cả việc sử dụng nước rửa tay. Số khác tin vào hệ miễn dịch tuyệt vời của con người và khẳng định họ vẫn vô cùng khỏe mạnh dù tiếp xúc với những vật dụng bẩn trong thời gian dài.
Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của nhóm thứ hai. Nếu thức ăn rơi trên sàn, tôi vẫn sẽ nhặt lên và ăn bởi mối nguy hại từ sàn nhà không đáng lo bằng rất nhiều nơi khác. Chắc chắn sẽ có người phản đối quan điểm này nhưng quan trọng nhất vẫn là cân nhắc những rủi ro, không nên dựa vào bất kì mốc thời gian nào để quyết định có nên ăn hay không. Dù thế nào đi nữa, tôi nghĩ giờ đây các bạn sẽ phải thường xuyên rửa tay thật sạch bởi đây chính là cách duy nhất để ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm từ vi khuẩn gây hại.
(Nguồn: nytimes)
Theo Newben/Trí thức trẻ (Ttvn.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét