Cẩn trọng khi ăn quá mặn và quá cay

Sau một tháng liên tục ăn xoài lắc và bánh mì nướng muối ớt, Thu bị viêm dạ dày phải nhập viện điều trị.
Thu cho biết sau một tháng ăn các món với muối ớt liên tục, bắt đầu đau vùng thượng vị, lúc hơi đói lại bị xót bụng, ợ chua, cảm giác buồn nôn. Tình trạng bệnh kéo dài khiến chị mệt mỏi, sụt cân, khám tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược, bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Danh Tấn, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa nhận định với tiền căn viêm loét dạ dày trước đó của chị Thu, việc dùng món ăn từ muối ớt liên tục trong vòng một tháng làm các triệu chứng đau xuất hiện trở lại và nặng thêm. Bác sĩ khuyên người bệnh hạn chế dùng các món từ muối ớt, đồng thời điều trị nội khoa bằng thuốc và sử dụng thêm nghệ sẽ giúp làm lành nhanh các vết loét dạ dày.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên đang khám cho một bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên đang khám cho một bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa. (Ảnh: TT).
Nhiều người cho rằng ăn cay có thể chữa bệnh, giảm cân. Tuy nhiên, theo tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Về cơ bản, để đốt cháy và đào thải chất béo ra khỏi cơ thể, cần có chế độ tập luyện phù hợp và hạn chế ăn đồ cay kèm thực phẩm giàu năng lượng, ví dụ: khoai tây chiên...
Bác sĩ Niên khuyến cáo ăn quá nhiều thực phẩm chứa muối và ớt tác động không tốt đến sức khỏe, trong đó có thận là cơ quan chủ yếu giải quyết lượng muối dư thừa trong cơ thể. Khi muối tích lũy nhiều, cơ thể phải giữ nước lại để pha loãng, dẫn đến tăng thể tích dịch quanh tế bào, tăng thể tích máu, tim phải tăng cường độ làm việc, mạch máu chịu áp lực nhiều hơn. Theo thời gian thành mạch chai cứng và gây tăng huyết áp dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Nhiều bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối gây tổn thương tim, động mạch, thận có hại cho xương ngay cả khi bệnh nhân chưa bị tăng huyết áp. Ớt có thể làm tổn thương nụ vị giác ở lưỡi, về lâu dài gây mất cảm giác ngon miệng. Dù không gây viêm loét dạ dày nhưng các thành phần trong ớt có thể làm xấu hơn tình trạng viêm loét dạ dày ở người đã có bệnh. Những người bệnh trĩ hoặc viêm đại tràng kích thích cũng nên tránh dùng ớt. Người bệnh đang dùng thuốc chống đông cũng nên tránh dùng ớt vì làm giảm tác dụng của các loại thuốc này.
Sự kết hợp rất đơn giản giữa muối, ớt và các loại trái cây, bánh tráng, bánh mì tạo cảm giác rất ngon miệng dễ gây "ghiền". Bác sĩ Niên giải thích: Mặn là một trong 5 vị cơ bản của cơ quan nhận biết vị giác. Ăn mặn sẽ hình thành thói quen và có xu hướng tăng độ, nghĩa là nếu bạn quen với thức ăn mặn thì cần duy trì mức độ đó mới cảm thấy ngon miệng. Cũng vậy, ăn cay giúp tăng tiết nước bọt, dịch vị, tạo cảm giác ngon miệng, tiêu hoá tốt hơn. Kết hợp muối và ớt trong các loại thức ăn tạo ra cảm giác ngon miệng và dễ dẫn đến ghiền, đồng thời tạo các tín hiệu thần kinh ở não bộ về cảm giác "phụ thuộc".
Sự kết hợp rất đơn giản giữa muối, ớt và các loại trái cây, bánh tráng, bánh mì tạo cảm giác rất ngon miệng dễ gây "ghiền".Sự kết hợp rất đơn giản giữa muối, ớt và các loại trái cây, bánh tráng, bánh mì tạo cảm giác rất ngon miệng dễ gây "ghiền".
Một số người có thói quen chấm chút muối ớt hoặc đường với các món ăn như trái cây, bánh mì để ăn ngon miệng hơn, bác sĩ cho rằng có thể xem đây là một cách bổ sung trái cây vào khẩu phần ăn, với điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nên cần thận trọng ở những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận...
Ngay cả người bình thường cũng chỉ nên ăn muối với lượng vừa phải. Theo khuyến cáo của WHO, lượng muối hàng ngày đối với người lớn là 5g (một muỗng cà phê gạt), trong đó 2g từ thực phẩm tự nhiên, 3g từ gia vị (muối, bột ngọt, bột nêm, nước mắm). Ngoài ra những trường hợp đặc biệt cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, chẳng hạn người có bệnh lý và dùng thuốc gây hạ natri máu hoặc giữ nước, chế độ ăn đặc biệt như suy tim, tăng huyết áp, suy thận...
Mức độ chấp nhận cay tuỳ thuộc vào mỗi người, do đó các biểu hiện triệu chứng khi ăn cay với các cấp độ cũng phụ thuộc vào từng người. Chính vì vậy, người dùng nên dừng ăn khi cảm giác đau do cay quá nhiều, đó là tín hiệu cơ thể không chấp nhận được mức độ cay đó. Người bị viêm loét dạ dày, bệnh trĩ, viêm đại tràng kích thích hoặc đang dùng thuốc kháng đông là những đối tượng nên hạn chế ăn cay. Trẻ em có kích thước khối cơ thể nhỏ hơn người lớn, các thụ thể vị giác cũng nhạy hơn, vì vậy mức độ ăn cay nên thấp hơn người lớn.
Theo VnExpress

Nhận xét

Bài đăng phổ biến