Châu Âu có thể dùng ấu trùng ruồi làm thức ăn nuôi gà, lợn
Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại để cung cấp nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc, gia cầm.
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) khẳng định việc sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi không làm tăng rủi ro sinh học hoặc hóa học so với các hình thức chăn nuôi nào khác, New Atlas hôm 6/9 đưa tin. Côn trùng có thể trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi tốt giúp con người thoát khỏi tình trạng thiếu hụt protein toàn cầu.
EFSA sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, Hà Lan, Bỉ để thực hiện báo cáo về những rủi ro môi trường khi nuôi côn trùng trong trang trại. Kết quả cho thấy, nếu chất nền nuôi côn trùng không chứa protein có nguồn gốc từ chất thải người hoặc động vật nhai lại, khả năng côn trùng phát triển các protein bất thường gây bệnh như bệnh bò điên sẽ giảm.
EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi. (Ảnh: PROteINSECT).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về quá trình tiêu thụ côn trùng của con người và động vật. Sự tích tụ của các hóa chất như kim loại nặng hoặc asen là một trong những vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét dữ liệu và cân nhắc thực hiện dự án PROteINSECT do Quỹ EC tài trợ nhằm kiểm tra độ an toàn cũng như khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại làm thức ăn chăn nuôi.
Kể từ năm 2013, các thành viên của dự án PROteINSECT đã làm việc với các chuyên gia châu Âu, Trung Quốc, châu Phi để nghiên cứu đưa hai loài ấu trùng ruồi vào chế độ ăn của gà, lợn, cá. Họ nuôi ấu trùng bằng chất thải hữu cơ, sau đó phân tích chất lượng và mức độ an toàn của nguồn thức ăn mới.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thịt toàn cầu dự kiến tăng 72% từ năm 2000 đến năm 2030. Do đó, nguồn cung cấp protein trong thức ăn gia súc cần tăng lên nhanh chóng.
Việc nuôi côn trùng trong trang trại để cung cấp protein cho chăn nuôi sẽ giúp giải phóng đất để trồng cây, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của con người và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét