Mexico lai tạo thành công giống đậu mới giàu axít folic
Ngày 20/10, Viện Công nghệ Monterrey của Mexico thông báo với sự hợp tác của Tập đoàn Nghiên cứu Nông nghiệp của Brazil (Embrapa), các nhà khoa học nước này đã sử dụng kỹ thuật biến đổi gene để tạo ra giống đậu mới có hàm lượng axít folic (vitamin B9) cao hơn 84 lần so với đậu thông thường.
Lai tạo thành công giống đậu giàu axít folic
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng sau khi nấu chín, lượng vitamin có trong loại đậu biến đổi gene này là hơn 328 microgram, cao hơn nhiều so với 81 microgram của đậu thông thường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: businessinsider.com)
Như vậy, 100 gram đậu thông thường (đã nấu chín) chỉ có thể đáp ứng 20% lượng vitamin B9 mà cơ thể con người cần trong một ngày, trong khi cũng một lượng đậu mới này giải quyết tới 82% nhu cầu đó của cơ thể người.
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học dựa vào những điểm mạnh của ba loại đậu hiện được đánh giá cao tại Mexico, gồm đậu Pinto Saltillo, đậu Pinto Durango và Pinto Café.
Sau đó cấy gene cây Arabisdopsis Thaliana nhằm tăng khả năng sản xuất phân tử tạo ra axít folic.
Cuối cùng, đậu Pinto Durango thu về kết quả cao nhất. Ý tưởng này được thực hiện sau khi Embrapa thành công trong việc lai tạo giống rau xà lách có hàm lượng axít folic cao hơn 15 lần so với xà lách thông thường.
Đậu được coi là lương thực phổ biến tại Mỹ Latinh, nhất là tại Brazil, Mexico và các nước Trung Mỹ.
Đây là loại lương thực giàu axít folic có lợi cho sức khỏe con người, góp phần thiết yếu cho quá trình tổng hợp và tái tạo ADN, tế bào và sản sinh các protein mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét