Tại sao con người dễ mắc bệnh hô hấp mùa lạnh?
Tiến sĩ Lê Khắc Bảo, Phó Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết mùa lạnh có nhiều yếu tố làm cho người dễ mắc bệnh đường hô hấp, liên quan đến môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể.
Các yếu tố bất lợi ở môi trường bên ngoài cơ thể
- Không khí bên ngoài trở nên lạnh hơn, độ ẩm thay đổi thường là khô hơn. Hai yếu tố lạnh và khô này rất dễ kích ứng đường hô hấp hơn là không khí ấm và ẩm.
- Siêu vi gây bệnh đường hô hấp ví dụ như virus cúm phát triển dễ dàng hơn vào thời tiết lạnh so với mùa nóng.
- Không khí dễ bị tù túng, kém lưu thông do vào mùa lạnh mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường mà ở trong nhà nhiều hơn, đóng các cửa để tránh không khí lạnh xâm nhập. Đây là yếu tố thuận lợi làm các tác nhân vi sinh vật nếu tồn tại trong không khí có khả năng sinh sôi nảy nở nhiều hơn.
- Vào mùa lạnh, ngày ngắn đêm dài, số giờ có ánh sáng mặt trời trong ngày cũng giảm đi. Đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc có nhiều ngày không nhìn thấy mặt trời. Ánh mặt trời có tia cực tím là một tác nhân rất quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật. Vào mùa đông ánh sáng mặt trời ít đi cũng là một lý do nữa làm cho vi sinh vật dễ sinh sôi nảy nở hơn nữa.
Mùa lạnh có nhiều yếu tố làm cho người dễ mắc bệnh đường hô hấp. (Ảnh minh họa: healthtap).
Các yếu tố làm sức đề kháng của cơ thể giảm đi
- Tác động của mùa lạnh có vẻ không rõ ràng lắm trên người khỏe mạnh nhưng lại rõ ràng hơn trên người đã mắc sẵn các bệnh mạn tính. Bệnh mạn tính hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản thường trở nên nặng hơn vào mùa lạnh hơn là mùa nóng. Bệnh mạn tính về tim mạch như suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cũng có nguy cơ nặng hơn vào mùa lạnh.
- Một khi bệnh mạn tính tim mạch và hô hấp nặng lên thêm vào mùa lạnh thì cũng chính là khi sức đề kháng chung của cơ thể giảm đi. Các bệnh nhân bệnh mạn tính này do đó rất dễ mắc bệnh cấp tính đường hô hấp vào mùa lạnh.
- Ở những đất nước không có nhiều ánh sáng mựt trời vào mùa đông, người ta thường thấy xuất hiện một chứng bệnh gọi là "trầm cảm theo mùa". Một số trường hợp tình trạng u sầu và trầm cảm nặng, bác sĩ phải can thiệp bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng mạnh gọi là liệu pháp ánh sáng. Trầm cảm được chứng minh là một nguyên nhân quan trọng làm sức đề kháng của cơ thể giảm đi.
Theo bác sĩ Bảo, do cơ chế phát sinh bệnh hô hấp trong thời tiết lạnh là tăng các yếu tố có hại từ ngoài môi trường và giảm sức đề kháng bên trong cơ thể nên việc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh phải bao gồm "hai mũi giáp công".
Tránh tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt và làm sạch môi trường sống
- Tránh ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, quá khô mà không có bảo vệ như không mặc đủ áo ấm, không che cổ, không mang khẩu trang để làm ấm không khí trước khi không khí đi qua mũi.
- Sự thay đổi đột ngột từ nóng (trong nhà) sang lạnh (ngoài nhà) là cơ chế kích ứng đường hô hấp nhiều hơn là bản thân nhiệt độ lạnh hay nóng. Nếu không thật cần thiết, tránh đi ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm và tránh về nhà quá muộn vào ban đêm.
- Tránh đến nơi quá đông người, đặc biệt là nơi tụ họp đông người, lại là phòng kín vì nơi đó mật độ các tác nhân vi sinh vật nếu có sẽ cao và tồn tại lâu trong môi trường.
- Tránh làm ô nhiễm môi trường vì các hành vi như hút thuốc lá nơi công cộng, thải chất độc trong khói thuốc lá ra ngoài môi trường. Khi bị cảm cúm phải đeo khẩu trang để tránh ho khạc virus cúm ra ngoài môi trường. Khi ho phải che miệng, ho vào khuỷu tay của mình tránh lan virus cúm ra ngoài môi trường.
- Giữ cho môi trường thông thoáng có đủ ánh sáng để tiêu diệt tác nhân vi sinh vật nếu có. Mặc dù trời lạnh cũng không nên đóng kín hết tất cả các cửa trong nhà mà buộc lòng vẫn phải mở cửa thông thoáng để trao đổi khí tốt hơn và đặc biệt là phải để ánh sáng mặt trời có thể đi vào nhà tiêu diệt vi khuẩn sinh bệnh. Khi giặt đồ tốt nhất là phải phơi khô dưới ánh sáng mặt trời hơn là chỉ sấy khô và ủi lại.
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể
- Ăn uống đầy đủ, đặc biệt là rau xanh nhằm cung cấp đủ vitamin giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Uống nước đủ là một cách bù trừ cho tình trạng mất nước qua đường hô hấp, qua da vào môi trường lạnh và khô. Cần lưu ý điều này vì khuynh hướng chung là mọi người ít uống đủ nước vào mùa lạnh.
- Tiêm ngừa cúm vào đầu mùa lạnh, tiêm ngừa phế cầu mỗi 5 năm cho đối tượng có nguy cơ giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể, từ đó chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
- Đi khám chuyên khoa hô hấp để phát hiện sớm và điều trị các bệnh hô hấp nếu có các triệu chứng bệnh hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho, khạc đàm, sốt. Việc làm này vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, lại vừa tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.
Rửa mũi và súc họng là hai biện pháp có thể tiến hành để bảo vệ mũi họng.Rửa mũi có thể thực hiện với nước sạch hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Súc họng bằng nước muối ấm lạt là được, không cần phải dùng thuốc sát khuẩn vừa tốn tiền lại vừa tiêu diệt hết vi khuẩn có lợi ở trong họng. Rửa tay và lau khô thường xuyên là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ người này sang người khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét