Trung Quốc phát triển áo choàng tàng hình
Các nhà khoa học Trung Quốc tìm ra phương pháp giúp sản xuất vật liệu tàng hình trên quy mô lớn và chi phí rẻ hơn.
South China Morning Post hôm 16/12 đưa tin, một nhóm nhà khoa học tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, đã đạt được bước đột phá quan trọng nhằm tạo ra áo choàng tàng hình. Chiếc áo có thể khiến các vật thể trở nên vô hình trước mắt con người thông qua bẻ cong chiều dài bước sóng ánh sáng ở xung quanh.
Dù kỹ thuật mang tên "chiết suất âm" này không mới, nhóm nghiên cứu khẳng định họ tìm ra cách chế tạo tấm vật liệu lớn hơn, giúp giảm đáng kể chi phí. Trước đây, các nhà khoa học chỉ có thể sử dụng công nghệ này trên vật liệu có kích thước rất nhỏ.
Thông thường, ánh sáng khi chạm đến vật thể sẽ phản xạ trở lại, cho phép con người quan sát được vật thể. Vật liệu mới chống lại hiệu ứng đó bằng cách để các photon đi qua theo hướng định trước. Kết quả là ánh sáng di chuyển xung quanh món đồ phủ vật liệu này giống như nước chảy qua đá trên sông. Người đứng trước món đồ phủ vật liệu vẫn nhìn thấy những thứ phía sau nó, tạo cảm giác như món đồ không tồn tại.
Áo choàng tàng hình có thể được sản xuất hàng loạt trong tương lai. (Ảnh minh họa: The dailypedia).
Việc chế tạo vật liệu này phức tạp hơn so với sản xuất chip máy tính. Hàng tỷ khối kết cấu độc lập được khắc trên bề mặt tấm kim loại để tạo ra hiệu ứng tàng hình, khiến chi phí tăng cao.
Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học, đứng đầu là Yang Chengliang ở Phòng thí nghiệm Quang học Ứng dụng của Viện Quang học Trường Xuân, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tin chắc họ có thể giải quyết vấn đề về kích thước và chi phí.
Theo Yang, các nhà nghiên cứu có thể cho ra đời một tấm phủ tinh thể bạc có tiềm năng tàng hình với kích thước từ một mét vuông trở lên và chi phí rẻ hơn một chiếc khăn đắt tiền. Họ sử dụng hóa chất để tạo ra những cấu trúc sợi nano lớn từ bạc, làm thay đổi hướng di chuyển của ánh sáng bằng cách tác động lên các electron bên trong photon, hay còn gọi là hạt ánh sáng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Optics Express của Hội Quang học Mỹ.
Yang cho biết phương pháp này tương đối đơn giản và dễ dàng đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng cần khoảng một thập kỷ để đưa sản phẩm ra thị trường.
Dù kiểm soát tốt hướng ánh sáng, vật liệu này vẫn để lọt sáng. Nhược điểm này có thể làm mất công dụng tàng hình vì nó khiến người mặc trông như đang di chuyển trong bóng râm, Yang nói. Nhóm nghiên cứu cũng đang tìm cách cải thiện độ sáng của vật liệu. Do chỉ dày vài micron, nó quá mỏng manh để may quần áo.
Tuy nhiên, bước đột phá này vẫn tạo hứng thú cho giới nghiên cứu. Một nhà khoa học nghiên cứu công nghệ tương tự tại Đại học Fudan, Thượng Hải, cho biết phương pháp này sẽ tạo điều kiện cho việc sản xuất hàng loạt áo choàng tàng hình. Nó cũng có thể được sử dụng chế tạo "siêu thấu kính", giúp các vệ tinh chụp ảnh Trái Đất với độ nét chưa từng có.
Nhận xét
Đăng nhận xét