Hệ thống miễn dịch trở nên giống nhau khi chúng ta ở cùng nhau
Khi đang ở trong một mối quan hệ, bạn cũng có thể chia sẻ những thói quen, chế độ ăn uống, thể thao, thời gian ngủ nghỉ cùng với đối phương. Và theo một nghiên cứu mới, các nhà khoa học còn cho rằng hệ thống miễn dịch của 2 người sẽ trở nên giống nhau khi cùng chung sống.
Hệ miễn dịch của mỗi người là duy nhất. Chúng khác nhau ở số lượng và loại tế bào miễn dịch, cũng như các trạng thái kích hoạt. Tính đa dạng này giải thích cho câu hỏi vì sao mắc cùng loại virus cúm, nhưng người thì chỉ cảm thấy mệt mỏi trong một buổi chiều, người khác lại nằm liệt giường mấy ngày trời.
Giáo sư Adrian Liston tại Đại học Công giáo Leuven (Bỉ) và các cộng sự đã phân tích các mẫu máu lấy của 670 người khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 2-86. Đối với mỗi người, nhóm chuyên gia tiến hành đếm số lượng tế bào miễn dịch, ở cả 54 cơ chế kích hoạt khác nhau. Kế đó, họ chọn ra ¼ số tình nguyện viên và tiếp tục lấy mẩu thử nghiệm trong 6 tháng. Sau thời gian này, nhóm của Liston phát hiện ra một điều khá thú vị, hệ thống miễn dịch của những người sống cùng nhau, trở nên giống nhau đáng kể. "Tỷ lệ thay đổi lên đến 50%, cho thấy ảnh hưởng là vô cùng sâu sắc", Liston cho biết.
Hệ thống miễn dịch của 2 người sẽ trở nên giống nhau khi cùng chung sống. (Ảnh: ezcpak.com).
Các cá nhân đang ở trong cùng 1 mối quan hệ có xu hướng áp dụng chế độ ăn uống cũng như lối sống tương tự, một hiện tượng đã được biết đến với cái tên"spousal concordance" (sự hòa hợp vợ chồng). Ví dụ, người chồng ít uống rượu thì vợ sẽ ít uống rượu hơn. Ngoài ra, theo giáo sư Liston, có thể tồn tại một số khía cạnh môi trường, khiến hệ miễn dịch của một cặp vợ chồng trở nên giống nhau khi họ sống cùng nhau. Cụ thể, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, và hai người sống với nhau đều gặp rủi ro tương tự. Holden Maecker đến từ Đại học Y Stanford (California, Mỹ) cho rằng hệ miễn dịch của các cặp vợ chồng sống chung có thể được định hình, bằng cách chia sẻ virus với nhau.
Theo đó, những người sống với nhau dường như cũng sở hữu hệ thống vi khuẩn đường ruột (đóng vai trò rất quan trọng trong chức năng miễn dịch) tương tự. Sự tương đồng này có thể bị ảnh hưởng bởi các vi khuẩn được tìm thấy trên nền nhà , bụi bặm, hoặc có lẽ là do trẻ nhỏ trong nhà. Tất cả các cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu này đều đã là cha/mẹ, vì vậy, trẻ em cũng được xem như một cầu nối của vi khuẩn. Trẻ sơ sinh thường bú sữa mẹ, và vi khuẩn cũng theo đó mà 'di cư' qua lại. Và khi người bố hôn con họ, vi khuẩn này tiếp tục đường truyền sang anh ta.
"Thật khó để khẳng định liệu hiện tượng hội tụ miễn dịch này tốt hay xấu cho sức khỏe của bạn", bà Valerie O'Donnell tại Đại học Cardiff (Anh), nhận định."Việc đó còn tùy thuộc vào cách mà chúng hội tụ". Một số thay đổi có thể khiến cho một người dễ bị nhiễm trùng hơn, nhưng cũng có thể sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của họ, so với những người khác. "Chúng tôi thực sự không có cách nào để nói rằng ai đó sở hữu một hệ thống miễn dịch "tốt"", Maecker nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét