Nông nghiệp sạch từ xu hướng đầu tư của Nhật Bản
Nhật Bản luôn là quốc gia có quy mô đầu tư FDI ra bên ngoài rất lớn, đặc biệt là những năm gần đây. Trong báo cáo thuyết trình tại Hội nghị quốc tế thường niên về đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long ngày 20.11.2015 tại Cần Thơ, và tại TP.HCM đại diện JETRO công bố định hướng Nhật Bản tiếp tục đầu tư nhắm đến khối ASEAN, trong đó ưu tiên số một là Thái Lan, nơi có cộng đồng Nhật Bản đông đảo nhất và có lịch sử hợp tác lâu đời nhất với Nhật, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái.
Với định hướng đó, chiến lược vào Việt Nam của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Nhật Bản vẫn mang tên “Thailand+1” như đã có từ năm 2014. Tuy nhiên, từ 2016 tầm nhìn của Nhật Bản về đầu tư đến 2020 đã thay đổi, tập trung vào chuỗi giá trị nông nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến, dù Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là thị trường bổ sung và dự bị cho Thái Lan.
Chứng minh cho luận điểm “chỉ làm ăn với người quen” này, Nhật - Thái cùng bắt tay khai thác thị trường Việt Nam, bắt đầu bằng việc Family Mart nhường lại cho B’Mart chuỗi cửa hàng tiện ích, sau đó là sự đầu tư ồ ạt của Thái Lan tiếp cận tất cả chuỗi cung ứng bán lẻ thực phẩm nước ngoài tại Việt Nam như thương vụ mua lại Metro Cash (chưa kể cuộc đua thâu tóm Big C ngày càng gay cấn)... trong ba năm trở lại đây để gom hết khu vực thị trường phân phối (downstream) cộng với việc “dàn trận” từ lâu trong lĩnh vực sản xuất (upstream) của các tập đoàn nông nghiệp như CP đã đủ thao túng thị trường, hay mới đây là ngành chế biến với gần 80% tổng vốn đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam trong quý 1 /2016.
Quyền lực mềm thông qua... dạ dày
Một trong những tuyên bố quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp gỡ đại diện giới doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản khi mới tái cử chức thủ tướng, là sự thừa nhận thất bại của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về ngành điện tử so với Hàn Quốc, cũng như sự tụt hạng về kinh tế xếp dưới Trung Quốc, coi đó là sự nhục nhã mà nước Nhật phải gánh chịu.
Tiếp theo đó là sự khẳng định Nhật Bản sẽ xây dựng lại từ đầu nền kinh tế dựa trên nguyên tắc xây dựng “quyền lực mềm” ra thế giới thông qua “Cool Japan” (tạm dịch: Nhật Bản thú vị), một sáng kiến được lập ra bởi các bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật (METI), với mục đích thúc đẩy “các ngành công nghiệp sáng tạo” xuất khẩu văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài thông qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa với ngân sách hỗ trợ lên đến 500 triệu USD trong 20 năm. Song song đó là việc đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản “xuất khẩu” công nghệ sản xuất nông nghiệp hướng đến thực phẩm xanh, sạch, an toàn, bổ dưỡng... sang khối ASEAN để sản xuất thâm dụng lao động tại chỗ, phân phối tại chỗ, rồi xuất khẩu đi các nước phương Tây và Trung Đông.
Đây có thể coi là chiến lược “Song kiếm hợp bích” của Nhật, một là sử dụng chính vũ khí “Made in Korea” về xuất khẩu văn hóa đã thành công của Hàn Quốc nhưng nay dọn đường cho sản phẩm nông nghiệp đa dạng của Nhật Bản, và hai là đánh vào gót chân Achille của ngành nông nghiệp thực phẩm Trung Quốc đang mang tai tiếng khắp thế giới về thực phẩm bẩn và độc hại. Trong khi chờ đợi và đánh giá hiệu quả của sách lược này cho người dân Nhật Bản, hãy xem Việt Nam có thể khai thác lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của mình để có thể “đứng trên vai người khổng lồ” Nhật Bản phát triển nền nông nghiệp và tiếp đến là phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Người Nhật tin rằng nông sản sạch, an toàn và bổ dưỡng của họ sẽ chinh phục ASEAN rồi sau đó là châu Âu và Trung Đông. Ảnh H.Đ
Nói tóm lại, thị trường nông nghiệp Việt Nam đối với Nhật Bản nếu chính xác theo nghĩa đen của cụm từ “Thailand+1” thì trong tương lai gần chẳng còn gì nhiều cho người bản xứ, xét trên góc độ toàn bộ chuỗi giá trị cho những doanh nghiệp hiện hữu ngoài lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên xét về mặt số lượng, dự án đầu tư Nhật Bản có quy mô nhỏ vào Việt Nam ngày càng tăng, hệ quả từ chính sách chính phủ. Cơ hội vì thế đang tăng lên cho chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam hợp tác với Nhật Bản, chủ yếu cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nhân khởi nghiệp (startUPs) đáp ứng chương trình Cool Japan (ngành công nghiệp sáng tạo), và phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (nông nghiệp xanh phát triển bền vững), mà việc tiếp cận chính đi qua các hiệp hội, các công ty tư vấn của Nhật Bản và Việt Nam đang làm công tác xúc tiến thương mại và kết nối kinh doanh, đang thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối kinh doanh quốc tế.
Xét về mặt thực tế triển khai hợp tác nông nghiệp Việt - Nhật, sẽ dễ dàng nhận thấy hai nhóm lực lượng, một là các doanh nghiệp tập đoàn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hai là một số lượng đáng kể các doanh nhân Nhật Bản không thực sự quan tâm đến những thống kê chiến lược của JETRO, nhưng lại chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.
“Cool Japan”
Kondo, một doanh nhân Nhật Bản, gốc nông dân như ông vẫn thường tự giới thiệu, đã làm ăn tại Việt Nam trên 20 năm, trong lần kỷ niệm sinh nhật thứ 50 của mình đã tâm sự: “Chúng tôi được như ngày nay vì đã trả giá rất nhiều cho quá khứ, đã có thời kỳ chỉ vì năng suất, sản lượng và lợi nhuận, nông dân Nhật vì muốn tăng năng suất nhanh nên đã từng tưới phân vô cơ lên cánh đồng làm bạc màu ruộng đất, đã bơm hóa chất vào cây cối, hay ngâm trái cây vào thuốc hóa học để đầu độc chính dân tộc mình... Chúng tôi đã trả giá cho điều đó, và không muốn các bạn phải phạm sai lầm như cha ông chúng tôi. Thế nhưng điều này thật khó và xem ra Việt Nam, đến lượt cũng phải tự học bài học của mình!”.
Nói là vậy, nhưng hàng năm từ 2011, công ty tư vấn của ông vẫn tiếp tục đưa hàng trăm doanh nhân Nhật Bản theo chương trình “Cool Japan” sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nhân Việt, hay ít nhất là ghé thăm một lần để có cơ hội yêu Việt Nam như tình cảm của ông đã dành cho miền đất xinh đẹp này, như cách ông đã nói trong lần nhận giấy chứng nhận mở văn phòng đại diện tại Cần Thơ năm 2015. Điều đáng nói tuy làm tư vấn thương mại, nhưng một trong những nguồn thu quan trọng của Kondo lại là các chuỗi nhà hàng món Nhật - Việt kết hợp tại TP.HCM.
Có một số đông người Nhật như Kondo đến Việt Nam vì họ yêu Việt Nam! Có người nói rằng họ nhìn thấy hình ảnh nước Nhật nông nghiệp 50 năm trước đơn sơ ở đây. Có người nói họ đến trả nợ vì thế kỷ trước, nước Nhật có nợ những người nông dân Việt Nam đã thiệt mạng oan ức, nhưng đất nước này chưa một lần đòi hỏi sự xin lỗi. Phần tôi thích nhất câu giải thích rằng người Nhật đến đây vì Việt Nam có một kho tàng thực phẩm và đặc sản vùng miền vô cùng phong phú, rất phù hợp cho việc xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm quốc tế, đây thực sự là cơ hội phát triển cho nông nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chí “Cool Japan” và phù hợp với bất kỳ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và Nhật Bản.
Chúng ta có quyền tin tưởng vào tương lai khi nhìn thấy các đầu bếp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác mở lớp dạy nấu món Việt sử dụng nguyên liệu Nhật và nấu món Nhật sử dụng nguyên liệu Việt cho phụ nữ Nhật sinh sống tại TP.HCM.
Đoàn Hữu Đức, Công ty Tư vấn Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét