Niềm vui của người khiếm thị khi đón nhận "mắt thần"
Vui mừng trước những điểm cải tiến đáng kể giúp gia tăng phạm vi cảnh báo khi sử dụng "mắt thần" thế hệ mới nhất, nhiều người khiếm thị đã chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ với thiết bị mà họ xem là "người bạn" của mình.
Mới đây, TS Nguyễn Bá Hải (ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM) và nhóm nghiên cứu đã trình làng phiên bản "mắt thần" mới nhất mang tên MT2EX. Nhiều người khiếm thị đã chia sẻ những câu chuyện thật đáng nhớ với quãng thời gian dài sử dụng thiết bị hữu ích này.
Chị Nguyễn Thị Thảo (Hội người mù Quận Thủ Đức) kể, sản phẩm đầu tiên khá cồng kềnh vì phải mang chiếc ba lô sau lưng. Chiếc kính "mắt thần" giống như một chiếc băng đô của phụ nữ. Vô hình chung, "mắt thần" trở thành một vật... trang sức bất đắc dĩ. Sau một thời gian nghiên cứu, TS Hải đã tạo ra chiếc kính gọn nhẹ hơn.
"Những người mù chúng tôi cảm thấy rất vui mừng vì điều đó. Chúng tôi mong rằng, TS và các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu sản phẩm này ngày càng tiện ích và hiệu quả hơn nữa" - chị Thảo nói.
Đỗ Nguyễn Anh Thư háo hức với "mắt thần" mới do TS Hải trực tiếp hướng dẫn. (Ảnh: Hà Thế An).
Với em Đỗ Nguyễn Anh Thư (15 tuổi), quãng thời gian sử dụng "mắt thần" gắn liền với một quãng thời gian dài từ lúc em còn là một cô bé đến bây giờ là một thiếu nữ.
Đó là câu chuyện cách đây 4 năm khi mẹ Thư tình cờ biết được thiết bị đặc biệt của TS Hải. Mẹ đưa em đến gặp TS Hải và thử sử dụng thiết bị "mắt thần".Chiếc kính kì diệu đó đã giúp Thư tránh được vật cản và có thể chủ động di chuyển trong không gian xung quanh mình. TS Hải đã tặng luôn chiếc kính đó cho Thư.
Gắn bó và sử dụng nhiều phiên bản, mới đây nhất, Anh Thư không giấu được niềm vui khi chiếc "mắt thần" mới nhất thật sự làm em hài lòng. "Trước kia, khi đeo kính, nhiều khi em vẫn vấp phải chướng ngại vật ở mặt đất. Nhưng với việc có thêm thiết bị mắt thần gắn ở thắt lưng, em hoàn toàn yên tâm vì phạm vi bảo vệ được mở rộng" - Thư hồn nhiên kể.
Trước đây, Thư đi học thường phải được mẹ dẫn đường, giờ đây em đã có thể tự đi học được nhờ người bạn "mắt thần". Thư cũng hoàn toàn có thể tự tin đi chơi trong công viên mà bố mẹ không phải lo lắng như trước kia.
"Mắt thần đã thay đổi cuộc sống của em, nó như một người bạn đồng hành, giúp em hoàn toàn chủ động trong việc di chuyển, bố mẹ cũng đỡ lo lắng hơn" - Thư nói.
Nguyễn Minh Tuấn (Q. Tân Phú) cũng có quãng thời gian gắn bó rất lâu với chiếc kính đặc biệt này. Anh cho biết, ngày đầu sử dụng kính, anh thật sự bất ngờ với cặp kính màu đen, đi ra đường nhìn rất giống... đầu gấu. Tuy nhiên, đến phiên bản mới nhất, chiếc kính đã có tròng trong suốt và hình dáng dáng như một chiếc kính bình thường khiến anh thích thú.
Những người khiếm thị đã được TS Nguyễn Bá Hải hướng dẫn tận tình cách sử dụng kính "mắt thần". (Ảnh: Hà Thế An).
"Tôi nghĩ, nhóm nghiên cứu đã hiểu đúng suy nghĩ của những người khiếm thị. Kính "mắt thần" không chỉ là thiết bị hỗ trợ người khiếm thị, mà còn là một vật dụng mà mỗi người phải yêu quý. Với thiết kế thân thiện hơn, thiết bị này đã "chinh phục" được tôi bên cạnh công năng của nó" - Tuấn cho biết.
Chia sẻ những câu chuyện về "mắt thần", TS Hải nói, quãng thời gian gắn bó, đồng hành với người khiếm thị thật sự là động lực để anh và nhóm nghiên cứu tiếp tục vượt qua những khó khăn để có sản phẩm tốt nhất.
"Tôi tình cờ quen một người khiếm thị làm nghề hát rong. Và tôi cũng được nhiều lần nghe những bài hát của anh. Những câu hát đó như chạm vào sâu thẳm trái tim tôi. Những lúc nghiên cứu tôi nghe lại những ca khúc đó. Chính những câu hát ngân nga đó chính là động lực tiếp thêm quyết tâm để tôi cho ra những sản phẩm mắt thần tốt hơn nữa phục vụ những người mù trên cả nước" - TS Hải bày tỏ.
Nhận xét
Đăng nhận xét