Người đàn ông mắc kẹt trong dòng thời gian

Henry Gustav Molaison hay còn gọi là "HM" được coi như bệnh nhân quan trọng nhất trong lịch sử thần kinh học. Trải qua ca phẫu thuật vào năm 1953 khiến trí nhớ bị hủy hoại, ông đã giúp con người đạt những bước tiến vượt bậc trên hành trình nghiên trí nhớ.
Theo Big Picture Education, Henry mắc chứng động kinh từ nhỏ, nhiều khả năng do chấn thương đầu năm lên 7. Các cơ co giật nhẹ dần chuyển nặng khi bệnh nhân 16 tuổi. 11 năm sau, chàng trai trẻ không thể tiếp tục làm việc.
Trước tình hình này, năm 1953, HM được đưa đến Bệnh viện Hartford ở Connecticut nơi bác sĩ phẫu thuật thần kinh William Beecher Scoville công tác. Vị bác sĩ gợi ý người đàn ông nên cắt bỏ một phần não để chấm dứt các cơn động kinh. Quá tuyệt vọng, Henry chấp nhận.
Ca phẫu thuật diễn ra. Bác sĩ Scoville khoan 2 lỗ ở mặt trước họp sọ bệnh nhân. Tiếp đến, một phần não, nửa trước đồi hải mã và hầu hết hạch hạnh nhân bị hút ra ngoài. Thực hiện phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao mà không đầy đủ công cụ như ảnh chụp chi tiết cùng kiến thức sâu rộng về não bộ, Scoville đã không thể lường trước các hậu quả.
Tỉnh dậy, Henry hết động kinh. Đổi lại, bộ nhớ của người đàn ông bị tổn hại trầm trọng. Trí thông minh và khả năng ngôn ngữ tương đối nguyên vẹn, bệnh nhân vẫn biết rõ tên mình, lịch sử gia đình cũng như sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929. Song ông mắc chứng quên thuận chiều, nghĩa là hoàn toàn mất khả năng hình thành ký ức mới"Giống như tỉnh dậy từ một giấc mơ. Mỗi ngày đều cô độc", HM miêu tả.
Henry Molaison năm 1986.
Henry Molaison năm 1986. (Ảnh: Jenni Ogden).
Suzanne Corkin, giáo sư thần kinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts tham gia theo dõi Henry từ ngày vẫn còn là nghiên cứu sinh. Bà kể rằng cứ mỗi lần ra ngoài, chỉ một phút sau HM lại quên mất họ vừa ngồi với nhau rồi tự giới thiệu như thể hai người không quen không biết. Trải qua 55 năm, Henry không nhớ được bất cứ ai trong nhóm chuyên gia cùng làm việc. Hầu hết thời gian ông ở bệnh viện giải đố chữ. Nói cách khác, cho đến cuối đời, HM bị giam cầm trong chính thời gian và tâm trí bản thân.
Tuy vậy, dưới góc nhìn cá nhân, Corkin cho rằng chứng quên của Henry cũng đem tới một số lợi ích. Bệnh nhân không bao giờ buồn bã hay thất vọng, dường như đạt đến trạng thái tinh thần mà việc tập thiền ngày nay cố hướng chúng ta tới. Ngoài ra, HM không hề biết bố mẹ mình đã qua đời. Trong trường hợp này, mất trí nhớ vừa là một nhà tù vừa là một sự giải thoát.
Đặc biệt, nếu Henry không gặp tai nạn, giới khoa học chắc hẳn tốn rất nhiều thời gian mới tìm hiểu được cách bộ nhớ vận hành. Ông đã chứng minh quan niệm trí nhớ trải khắp não bộ ngày đó thật sai lầm.
Năm 1962, tiến sĩ Brenda Milner từ Đại học McGill (Canada) công bố kết quả của loạt thí nghiệm tiến hành với Henry sau thời gian gặp gỡ, nghiên cứu theo lời đề nghị từ bác sĩ Scoville. Nổi bật nhất là lần nhà khoa học đề nghị bệnh nhân vẽ đi vẽ lại một đường thẳng giữa hai ngôi sao. HM không nhớ mình đã hoàn thành yêu cầu nên cứ vẽ tiếp mỗi khi được phát giấy mới. Cùng với thời gian, ông vẽ ngày càng đẹp. Điều đó chứng tỏ dù không ý thức, Henry vẫn học được các kỹ năng vận động mới bằng cách thực hành nhiều lần. Loại trí nhớ này, do vậy, phải tách biệt khỏi hệ thống ghi nhớ sự kiện, khuôn mặt, kinh nghiệm và được đặt một nơi nào đó không hề bị ảnh hưởng từ ca mổ năm 1953. Nhờ Henry, Milner đã khám phá ra con người sở hữu nhiều hệ thống trí nhớ nằm tại các vị trí khác nhau trên não. Đây được coi như bước tiến vượt bậc trong ngành khoa học thần kinh.
Suốt cuộc đời mình, Henry vẫn luôn ủng hộ các công trình khoa học. Ông từng chia sẻ rất vui nếu được giúp đỡ người khác, thậm chí sẵn sàng hiến tặng não nhằm phục vụ nghiên cứu. Năm 2008, HM qua đời ở tuổi 82. Não của ông được gửi tới Đại học California, cắt thành 2.401 lát để lập bản đồ não. Quá trình này kéo dài 53 giờ đồng hồ và được truyền hình trực tiếp trên Internet.
Nhớ lại bệnh nhân năm xưa, giáo sư Corkin không ngừng cảm phục. "Tôi không nghĩ ai đó sẽ muốn thế chỗ Henry", bà nói. "Ông ấy chịu một số phận bi thảm nhưng đã tận dụng nó tốt nhất có thể. Ông ấy cho thế giới thấy mình vẫn đủ khả năng cống hiến dù bị khiếm khuyết. Câu chuyện về Henry quả thực đầy cảm hứng".
Theo VnExpress

Nhận xét

Bài đăng phổ biến