Nếu ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày, bạn có thể dễ mắc các bệnh sau
Trên thực tế, không có một con số tiêu chuẩn nào để chỉ ra rằng bạn nên ngủ chính xác bao nhiêu giờ mỗi ngày. Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe cũng như tính chất hoạt động công việc của bạn. Nhìn chung, thời gian cần thiết ngủ mỗi đêm của người trưởng thành dao động trong khoảng từ 6 – 9 tiếng. Tuy nhiên, nếu bạn có giờ ngủ đặc biệt nhiều, lên đến 12 -18 tiếng một ngày hoặc cảm thấy buồn ngủ kể cả vào những thời điểm chẳng mấy thích hợp thì có thể bạn đã mắc phải những rối loạn phức tạp liên quan đến giấc ngủ. Điều này dẫn đến hàng loạt căn bệnh như:
Thừa cân, béo phì
Ngủ là thời gian nghỉ ngơi, tiêu hao ít năng lượng nhất trong ngày. Do vậy, nếu bạn nạp năng lượng vào cơ thể mà lại không sử dụng chúng để hoạt động thì lượng dinh dưỡng đó sẽ nhanh chóng tích tụ thành mỡ dự trữ gây ra tình trạng thừa cân. Tỉ lệ mắc béo phì của những người ngủ 9 – 10 tiếng mỗi ngày so với người ngủ 7 – 8 tiếng cao hơn đến 21%.
Bệnh tiểu đường
Thừa cân, béo phì chính là một trong những nguyên nhân đáng kể gây ra bệnh tiểu đường. Việc ngủ dậy quá muộn phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến cho sự chuyển hóa insulin của bạn rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn. Thêm vào đó, ngủ quá nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các hormone tăng trưởng cortisol – 1 hormone vận hành song song với isulin có vai trò quan trọng trong điều chỉnh đường huyết.
Đau dạ dày
Kể cả khi bạn ngủ, dạ dày vẫn tiết dịch vị và hệ tiêu hóa vẫn co bóp hoạt động để tiêu hóa lượng thức ăn được nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, trong khi lượng dịch vị vẫn tiếp tục tiết ra, thời gian ngủ kéo dài lại khiến dạ dày trống rỗng. Đây là trạng thái khiến thành dạ dày bị ăn mòn rất nhanh. Lâu dài có thể gây ra các bệnh như đau dạ dày, viêm loét dạ dày,…
Trầm cảm
Mặc dù biểu hiện cơ bản của chứng trầm cảm thường là mất ngủ nhưng cũng có đến 15% bệnh nhân trầm cảm ngủ quá nhiều. Ngược lại, ngủ nhiều cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hay khiến trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.
Suy giảm trí nhớ
Một giấc ngủ kéo dài khiến não tiêu hao lượng oxy lớn. Điều này làm tổ chức não tạm thời mất khả năng cân bằng hormone. Chúng sẽ ảnh hưởng tới các chất dẫn truyền thần kinh ở não như serotonin. Chính vì vậy, khi tỉnh dậy sau 1 giấc ngủ dài, bạn thường có cảm giác nặng đầu, mơ màng, lười hoạt động, khó tập trung. Tình trạng này lặp lại thường xuyên dễ dẫn đến việc suy giảm trí nhớ nghiêm trọng theo độ tuổi.
Một số lưu ý để không ngủ quá nhiều:
1. Sắp xếp thời gian biểu hợp lý, ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
2. Tránh ăn quá no hoặc sử dụng các chất chứa caffeine trước giờ đi ngủ.
3. Tập thể dục đều đặn và tạo không gian thoải mái trong phòng ngủ.
Theo Lệ Ngân / Trí Thức Trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét