Tái tạo thành công loại bia cổ nhất thế giới từ xác tàu đắm

Các nhà khoa học tại Australia vừa ủ thành công một loại bia có từ thế kỷ thứ 18 sau khi lấy mẫu men từ chai bia còn sót lại trên một con tàu buôn bị đắm.
Năm 1797, con tàu buôn có tên Sydney Cove đã bị chìm tại bờ biển Australia trên hành trình từ Calcutta, Ấn Độ tới Sydney. Con tàu đã nằm yên dưới biển qua hàng trăm năm, trước khi được các thợ lặn phát hiện vào thập niên 90 của thế kỷ trước.
Trong số cổ vật vớt được từ xác tàu có cả những chai bia, và hơn 200 năm sau, các nhà khoa học đã ủ lại thành công loại bia từ thế kỷ 18 này.
Một số chai bia và đồ dùng được tìm thấy trong con tàu đắm.
Một số chai bia và đồ dùng được tìm thấy trong con tàu đắm. (Nguồn: independent.co.uk).
Được gọi tên là Preservation Ale, loại bia này có vị "nhẹ và tươi mát", và được cho là loại bia cổ nhất còn tồn tại đến nay.
Thành công này có được là nhờ các nhà khoa học ở Bảo tàng-Phòng tranh Nghệ thuật Nữ hoàng Victoria tại Tasmania, Australia đã nuôi cấy được một mẫu men sống lấy từ một chai bia còn nguyên vẹn vớt lên từ đáy biển. Mẫu men đã giúp họ tạo ra được loại bia có hương vị hệt như thứ bia được sản xuất từ thế kỷ 18.
Trong một thông cáo báo chí có tên "Loại bia cổ nhất thế giới", nhà bảo tồn thuộc Bảo tàng Nữ hoàng Victoria, David Thurrowgood cho biết loại men bia này "là một sự kết hợp ba chiều hiếm thấy có liên hệ tới men bánh mỳ, men bia và men rượu vang", và là "một loại men bia mang tính cách mạng thời đại tiền công nghiệp".
Richard Mulvaney, Giám đốc bảo tàng, cho biết họ đang lên kế hoạch để sản xuất thêm bia Preservation Ale.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu cả rượu vang và rượu mạnh trên tàu. Rất có thể chúng tôi sẽ tái tạo được cả những loại đồ uống khác trong lịch sử. Những chai đồ uống trên tàu còn giúp chúng tôi tìm hiểu thêm về phân tử rượu vang cổ và so sánh sự khác biệt với rượu vang hiện đại cũng như những lợi ích tới sức khỏe, và nghiên cứu những vi sinh vật khác có thể dùng trong ngành thực phẩm cách đây 220 năm".
Theo Vietnam+

Nhận xét

Bài đăng phổ biến