Doanh nghiệp xanh và bài học từ Wall-Mart
Nền kinh tế xanh hay doanh nghiệp xanh không còn là những thuật ngữ mang tính chính trị mà là định hướng hành động của nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào định hướng phát triển thành doanh nghiệp xanh đều đạt được sự bội thu về lợi nhuận và khẳng định vị trí trên con đường phát triển bền vững. Wall-Mart – một Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ là một trong những ví dụ như thế. Từ thành công của Wall-Mart, các doanh nghiệp hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, đừng chờ đợi.
Doanh nghiệp xanh
Nền kinh tế xanh là một mô hình kinh tế mới đang phát triển nhanh chóng, đối nghịch với nền kinh tế đen – nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt hiện nay. Nền kinh tế xanh được phát triển dựa trên tri thức về kinh tế sinh thái học và kinh tế xanh, tập trung phát triển mối quan hệ tương tác giữa nền kinh tế và hệ sinh thái cũng như giải quyết những tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế đến sự biến đổi khí hậu và sự ấm lên của trái đất.
Năm 2008 – 2009 được coi là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng giống như truyền thuyết về chim phượng hoàng vươn mình sống dậy từ tro tàn, nền kinh tế xanh sẽ góp phần quan trọng trong việc chấm dứt cuộc suy thoái mang tính toàn cầu hiện nay.
Ngày 22/10/2008, Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã kêu gọi thực hiện Giải pháp xanh toàn cầu. Theo đó, Chính phủ các nước được khuyến khích thúc đẩy việc chuyển đổi nền kinh tế hiện tại sang nền kinh tế xanh. Điểm mấu chốt của nền kinh tế xanh là năng lượng thay thế và thiện chí của chính phủ các nước trong việc đầu tư hàng tỷ USD vào đó. Các nguồn năng lượng mới và tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… sẽ được phát triển, những chiếc xe hybrid được đưa vào lưu thông không những sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cuộc suy thoái này mà còn giúp tránh được một cuộc đại suy thoái
Để phát triển một nền kinh tế xanh thịnh vượng, không thể không nhắc tới sự đóng góp của các doanh nghiệp xanh. Doanh nghiệp xanh (hay còn gọi là doanh nghiệp bền vững) là doanh nghiệp không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường, cộng đồng, xã hội hay nền kinh tế. Thông thường, đó là những doanh nghiệp duy trì các chính sách tiên tiến về môi trường và quyền con người, đảm bảo tất cả các quá trình, sản phẩm và hoạt động sản xuất hướng một cách thích đáng tới vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội trong khi vẫn duy trì được mức lợi nhuận mong muốn.
Ngày nay, trong bối cảnh ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm đến vấn đề môi trường và chi phí năng lượng không ngừng tăng cao, việc các doanh nghiệp nhanh chóng chấp nhận những phương thức kinh doanh thân thiện với môi trường là điều tất yếu, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Tuy nhiên, không ít lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư này là quá tốn kém, mà không biết rằng họ có thể gặt hái được lợi nhuận lớn chỉ từ một khoản đầu tư nhỏ. Các doanh nghiệp với những chính sách môi trường tiên phong có thể nhận được sự ủng hộ, ưu ái từ phía khách hàng, cán bộ công nhân viên, nhà thi hành luật pháp, cơ quan truyền thông… Cũng chính từ danh tiếng đó, họ có rất nhiều lợi thế như giảm áp lực từ các nhóm hoạt động xã hội và phương tiện truyền thông, tăng khả năng thu hút và giữ chân nhân viên giỏi, cải thiện các mối quan hệ cộng đồng, nâng cao hình ảnh thương hiệu, củng cố mạnh mẽ sự trung thành của khách hàng, và gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quan tâm tới trách nhiệm xã hội.
Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi chuyển đổi thành doanh nghiệp xanh. Doanh nghiệp phải trả lời hàng loạt câu hỏi như: Lợi nhuận có suy giảm khi đầu tư quá nhiều vào các vấn đề môi trường? Đâu là những tác động trực tiếp/gián tiếp đến môi trường? Có cách thức đơn giản nào để cấu trúc lại quy trình sản xuất, và làm thế nào để không gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm?… Thế giới đã chứng kiến sự lớn mạnh của rất nhiều doanh nghiệp xanh, trong đó có Wal-Mart. Bài học thành công Wal-Mart sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có được câu trả lời thỏa đáng cho tất cả những trở ngại mà họ có thể gặp phải trên bước đường đạt đến mục tiêu “Xanh”.
Bài học từ Wal*Mart
“Không có gì tốt đẹp khi thải hóa chất ra không khí. Không có gì tốt đẹp khi thải hóa chất xuống các dòng sông tại các nước đang phát triển chỉ để hạ giá thành sản phẩm được bán tại các nước phát triển. Không cần phải là một chuyên gia môi trường cũng thấy rằng những điều đó thật tồi tệ” – Lee Scott, nguyên TGĐ của Tập đoàn Wal-Mart đã phát biểu như vậy.
Wal-Mart là tập đoàn bán lẻ tư nhân có mức tiêu thụ điện năng lớn nhất và đội xe tải lớn thứ hai nước Mỹ. Uớc tính trung bình 1 năm, mỗi cửa hàng trong chuỗi hàng nghìn cửa hàng của Wal-Mart tiêu thụ khoảng 1,5 triệu kWh điện, đủ dùng cho cả đất nước Namibia. Lượng nhiên liệu tiêu thụ cũng là một vấn đề hóc búa đối với tập đoàn này khi tổng quãng đường vận chuyển hàng hóa xấp xỉ một tỷ dặm mỗi năm.
Xuất phát từ suy nghĩ rằng, nếu mỗi tuần có một khách hàng đến một cửa hàng của Wal-Mart mua và sử dụng một cái bóng đèn huỳnh quang thì chi phí điện năng trên thế giới mỗi năm sẽ giảm khoảng 3 tỷ USD, tiết kiệm được 50 tỷ tấn than đá, và với tầm ảnh hưởng khổng lồ của mình đến gần 1,8 triệu nhân viên, 176 triệu khách mua sắm mỗi tuần và 60.000 nhà cung cấp, Wal-Martbắt đầu hướng tới các hoạt động vì môi trường. Năm 2005, Wal-Mart đã đưa ra các mục tiêu: (1) Tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho đội xe lên 25% trong vòng 3 năm và tăng gấp đôi số đó trong vòng 10 năm; (2) Giảm lượng khí thải nhà kính xuống 20% trong vòng 7 năm; (3) Giảm mức sử dụng năng lượng tại các cửa hàng xuống 30%; (4) Cắt giảm lượng chất thải rắn từ các cửa hàng tại Mỹ và Sams Clubs xuống 25% trong vòng 3 năm. Để thực hiện các mục tiêu này, Wal-Mart quyết định đầu tư 500 triệu USD cho các dự án phát triển bền vững và kết quả đạt được đã vượt quá mục tiêu đề ra.
Wal-Mart đã dành gần một năm làm việc với 12 chuyên gia tư vấn đến từ Công ty tư vấn quản lý BluSkype để đo lường các tác động môi trường. Không chỉ đánh giá hoạt động quản lý điều hành của Wal-Mart, BluSkype còn đánh giá toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm và quá trình vận chuyển hàng hóa đến các kho hàng với mục đích đưa ra một bức tranh tổng thể bao gồm cả chuỗi cung ứng – nơi xuất hiện các tác động môi trường đáng lưu tâm nhất và đề xuất các ý tưởng cải tiến. Ngoài ra, Wal-Mart còn thiết lập và duy trì “mạng lưới giá trị bền vững” với sự tham gia của các nhà cung cấp, các nhóm môi trường và các nhà lập pháp. Mạng lưới đã tổ chức các buổi họp xem xét định kỳ vài tháng một lần để chia sẻ ý tưởng, xác định mục tiêu và theo dõi triển khai. Tính đến nay, gần 20 mạng lưới đã được hình thành, mỗi mạng lưới tập trung vào một vấn đề như: Hoạt động nội bộ, hậu cần, nhiêu liệu thay thế, hóa chất, thức ăn và nông sản, điện, nguyên liệu dệt, lâm sản, trang sức, hải sản, biến đổi khí hậu… Rất nhiều đề xuất có giá trị đã ra đời như:
1. Wal-Mart thấy rằng, việc giảm lượng bao bì đóng gói cho một nhãn đồ chơi trẻ em sẽ tiết kiệm được 2,4 triệu USD chi phí vận chuyển mỗi năm.
2. Nhận thấy lượng bao bì sản phẩm bị vứt đi sau khi sản phẩm được vận chuyển từ nhà cung cấp đến các kho hàng của Wal-Mart là khá lớn và Wal-Mart phải mất hai lần tiền (một để mua vào, hai để vứt đi), câu hỏi được đặt ra là: Điều gì xảy ra nếu họ đảo ngược điều đó? Điều gì xảy ra nếu nhà cung cấp gửi đến họ ít hơn, và mọi thứ gửi đến đều có giá trị như một sản phẩm có thể tái chế, không lãng phí, và thậm chí Wal-Mart còn có thể thu lợi? Từ ý tưởng đó, Wal-Mart đã sáng chế và tiến hành lắp đặt các máy gọi là “sandwich baler” trong kho để tạo ra các sản phẩm tái chế có thể đem bán từ túi nhựa, móc treo quần áo, chai nhựa, can nhựa, bìa các tông, giấy… Trên bình diện toàn tập đoàn, những chiếc máy này đã góp thêm 28 triệu USD vào thu nhập ròng hàng năm
3. Wal-Mart xác định có thể tiết kiệm được 26 triệu USD chi phí nhiên liệu chỉ nhờ vào việc lắp đặt các máy phát điện phụ trên 7.200 chiếc xe cho phép tài xế giữ ấm hoặc làm mát ca bin suốt 10 tiếng dừng lái trên đường theo quy định, trong khi trước đây, họ thường vẫn cho nổ máy động cơ cả đêm, gây lãng phí nhiên liệu.
4. Quyết định của Wal-Mart về việc sử dụng bông hữu cơ cho các sản phẩm quần áo trẻ em (nhãn hiệu Baby George), quần áo thời trang, khăn tắm và ga trải giường đã không những giúp loại bỏ hàng triệu tấn hóa chất do sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp theo cách trồng bông cũ, mà còn có thêm một lượng khách hàng lớn sẵn sàng chi thêm tiền cho những sản phẩm loại này.
Từ cam kết phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống tại cộng đồng nơi có trụ sở hoạt động, hàng loạt cửa hàng sinh thái (eco-store) đã ra đời. Mặc dù chi phí đầu tư cho những cửa hàng này khá lớn nhưng khoản tiết kiệm được trong trung hạn và dài hạn là đáng kể. Mục đích của Wal-Mart là giảm các tác động xấu đến môi trường; sử dụng hợp lý nguyên liệu thô, nước và năng lượng; giảm lượng phế thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái sử dụng và tái chế nguyên liệu; cũng như tạo dựng mối quan hệ thân thiện với cộng đồng. Các ý tưởng về cửa hàng sinh thái luôn được xem xét và áp dụng trong thực tế, tùy thuộc vào điều kiện địa lý và khả năng thực hiện tại từng khu vực. Các ý tưởng như chiếu sáng bằng đèn LED (bền và kinh tế hơn), mặt tường chính được xây bằng các tấm styrofoam, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, sưởi ấm bằng dầu đã qua sử dụng (dầu máy và dầu ăn)… đã đem lại khoản lợi khổng lồ cho tập đoàn bán lẻ hàng đầu này của nước Mỹ.
Không ít lần, những nỗ lực vì môi trường của Wall – Mart phải đương đầu với nhiều lời chỉ trích từ phía dư luận và thậm chí cả sự hoài nghi trong chính nội bộ. Tuy nhiên, thay vì cố gắng thuyết phục hay lý giải bằng lời, Wall – Mart đã dùng chính những hành động cụ thể để khẳng định mình và tiếp tục trên cuộc đua giành vị trí dẫn đầu. Điều này đã khiến nhân viên thấy tự hào hơn về Wal-Mart, khuyến khích họ làm việc tốt hơn, tạo ra một mối quan hệ bền chặt và lâu dài giữa nhân viên và tổ chức. Trên tất cả, Wal-Mart luôn là Wal-Mart và cả thế giới phải công nhận những thành quả mà họ gặt hái được.
Ở Việt Nam, từ năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP. HCM tổ chức Giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Mục đích của Giải thưởng là biểu dương, tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu có ý thức và hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, qua đó doanh nghiệp đoạt giải sẽ trở thành những điển hình để nhân rộng trên toàn quốc. Doanh nghiệp đoạt giải sẽ được cấp giấy chứng nhận và sử dụng logo của giải in trên bao bì sản phẩm khi đưa hàng hóa ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Đây được xem như giấy thông hành xoá bỏ rào cản “xanh” hiện đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng để hạn chế hàng nhập khẩu từ các nước khác. Tuy nhiên, qua 3 năm hoạt động, một điều dễ nhận thấy là, hầu hết các doanh nghiệp đoạt giải là các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, để xây dựng một nền kinh tế xanh thực sự cũng như nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và toàn xã hội nói chung về vấn đề môi trường vẫn còn là bài toán nan giải ở nước ta, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và bản thân các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhận xét
Đăng nhận xét