Thực phẩm thứ cấp- thức ăn “Công nghệ Chết”

Những quả trứng đã hỏng, được các nhân viên thu gom từ các chợ về. Họ đập những quả trứng đó ra rồi khuấy trộn đều, rồi đổ ra khuôn có sẵn, sau đó đem chưng cách thuỷ và làm lạnh trở thành những quả trứng gà mới toanh và được… tuồn trở lại thị trường bán cho người tiêu dùng.
Các báo liên tiếp đưa tin về các vụ ngộ độc kinh hoàng bởi số lượng người mắc phải như: Vụ ngộ độc tập thể tại bếp ăn của Trường Tiểu học Phước Bình (quận 9, TP HCM) khiến gần 500 em phải cấp cứu ngày 22/12/2009 và đây không phải là vụ ngộ độc bếp ăn tập thể duy nhất, mà là vụ ngộ độc thứ 5 xảy ra ở trường học và là vụ thứ 22 xảy ra trên địa bàn TP HCM trong năm 2009.
Ngộ độc tập thể dường như đã trở thành “chuyện thường tình ở huyện” bởi nó không trừ bất cứ một đối tượng nào từ các “búp măng xinh xinh” đang nhú trong trường mẫu giáo cho tới công nhân – lực lượng đang tạo ra vô vàn của cải vật chất cho xã hội và sinh viên, học sinh – “hiền tài và là nguyên khí quốc gia” trong tương lai.
Bữa cơm giá rẻ và nguy cơ thức ăn giả
Nguyên nhân chủ yếu nhất của các sự cố thương tâm trên là do thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh (ATVS). Và điều này là bất khả kháng đối với bất cứ một ai khi buộc phải chọn “cơm hàng, cháo chợ, ai lỡ thì ăn” trong cơn “bão giá” hiện nay.
Trước đây, một bữa cơm trưa ngon lành dành cho “tầng lớp văn phòng” ở Hà Nội chỉ vào khoảng từ 12 tới 15 nghìn đồng/suất. Nếu có bạn bè thân hữu kéo nhau vào những tiệm cơm văn phòng có không gian đủ để bàn công việc với máy lạnh, nước uống miễn phí… cũng chỉ chi tới 30.000 đồng là nhiều.
Trứng gà giả làm tư cacbonat canxi tinh bột, nhựa, gelatin, phèn và các sản phẩm hóa chất khác.
Nhưng nay, điện, nước, gas, gạo, thực phẩm … đều leo thang vùn vụt khiến các nhà hàng, quán ăn buộc phải đồng loạt tăng “cắn răng” tăng thêm 5.000-15.000 đồng/mỗi suất cơm trưa và để níu khách, các cơ sở trên còn không tính cả tiền phục vụ. Tính ra để ăn trưa tại công sở, một nhân viên có mức lương trung bình 4 triệu/tháng phải chi ra ít nhất 1 triệu. Còn nếu muốn tiết kiệm, nhiều chị em chỉ ăn bát bún giá 10 nghìn và cuối giờ làm việc phải đưa đi cấp cứu vì tụt huyết áp do đói.
Tầng lớp “cổ cồn” đã vậy, còn công nhân vận hành máy móc trên những dây chuyền công nghệ thì sao? Hầu hết các công ty đều chi cho họ bữa ăn trưa có giá từ 12 tới 15 nghìn đồng. Song ở nhiều nơi, khi thì sau bữa ăn công nhân bị ngộ độc tập thể, khi thì công nhân bấm bụng nhịn đói không động đũa vì giá trị thực của một suất cơm mà họ được hưởng chỉ còn là 4.000 hay 6.000 đồng. Còn bữa cơm tại gia của họ cũng không kém xót xa: “Điện ba ngàn, nước vừa tăng thêm hai ngàn nữa thành mười ngàn, chưa tính đến phòng trọ vừa tăng giá thêm năm mươi ngàn nữa”.
Cho dẫu vậy, họ – người lớn chúng ta – còn có cơ may lựa chọn: ăn hay không ăn. Theo một tờ báo, còn các cháu ở nhà mẫu giáo mầm non ở Quảng Nam chỉ có một chén cơm với vỏn vẹn một muỗng thịt băm, có thêm vài cộng rau lốt (xắt sợi). Hình như các cháu đói nên ăn hăm hở. Một vài cháu trai xin cơm thêm, được cô giáo cho thêm một muỗng nước thịt. Chỉ vậy thôi.
Hỏi thì cô hiệu trưởng cho rằng, suất ăn mỗi cháu là 6.000 đồng/bữa. Nhà trường xin phụ huynh cho thêm 500 đồng/bữa ăn cho các cháu mà phụ huynh không đồng ý, vì nơi đây phần lớn là nông dân nghèo, họ không thể đóng góp thêm. Tại trường học, nhìn khẩu phần ăn của các con, nhiều bố mẹ đã không khỏi cầm lòng. Sinh viên có thể gọi là từng lớp săn nhà ăn có giá rẻ vì với số tiền từ quê gửi lên không cho phép họ phung phí vì trái với điều đó là họ phạm tội với cha mẹ ở phương xa…
Trong cơ chế có nhiều “lỗ hổng về trách nhiệm” tồn tại ở mỗi cấp mỗi ngành khiến thị trường thực phẩm tự tung tự tác hoành hành tự do thì việc có một bữa trưa từ 5 cho tới 500 nghìn là điều dễ như trở bàn tay vì khi ra chợ cái gì cái gì cũng có và chúng tuân theo một quy luật rất biện chứng – giá nào của ấy.
Thuốc độc giả thức ăn, hành vi xâm hại sức khỏe cộng đồng dân tộc
Trong gia đình, để ăn một quả trứng gà Việt Nam thứ thiệt, bà nội trợ phải bỏ ra hơn 2.000 đồng. Tuy vậy, ở các quán cơn bình dân, sinh viên và người qua đường có thể sài một bữa từ 2 tới 3 quả trứng là bình thường vì trứng gà ngoại được sản xuất từ nước, carbonat calci, tinh bột, nhựa, chất keo (gelatin) phèn, phẩm màu và một số hóa chất khác với công nghệ đạt đến mức “nghệ thuật” và bán tràn lan trên thị trường chỉ có giá 100 đồng/quả.
Những con gà chết được dùng làm trứng vịt lộn.
Ngay từ năm 2005, ở Việt Nam đã rộ lên những lời báo động là ăn trứng giả có thể ngộ độc chết người, hay ít nhất cũng làm cho hỏng bộ não, đặc biệt trẻ em. Thế nhưng cho tận tới năm 2010, tại thị trấn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ban quản lý thị trường đã tiến hành tiêu hủy 5.500 quả trứng gà nhập lậu được đưa vào bán trên địa bàn.
Tháng 8/2009, mực khô xé nhỏ ồ ạt tràn về Hải Phòng với giá có 80.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/4 mực khô nguyên con. Tại chợ Sắt, cạnh Bến xe Tam Bạc, chủ hàng chào bán: Mực khô xịn, có xuất xứ từ miền Nam, ăn ngọt, thơm và rất tiện là ăn ngay không phải nướng. Giá cuối cùng: 100.000 đồng nửa kg.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hải Phòng) lấy mẫu mực xé vừa bị thu giữ gửi đến Hà Nội giám định. Kết quả giám định ngày 12/5 cho thấy loại mực khô xé trong lô hàng trên không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng của mực khô theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng. Và “loại mực bị thu giữ khi đốt gần như cháy thành than luôn, khói có mùi rất khét, hệt như khi đốt vải may quần áo”.
Chim rán được xem là món ăn xa xỉ và chỉ dành cho từng lớp nhà giàu. Tuy vậy, đã có thời gian trên nhiều tuyến phố Hà Nội, đặc biệt bên đường cạnh công viên Bách Thảo hay đường Láng, bày bán la liệt chim quay với giá rẻ quá sức tưởng tượng, khiến cho nhiều người nghĩ rằng ở đâu đó trên nước ta đang tồn tại một “công xưởng sản xuất chim cút”. 2.000 đồng một con quay sẵn đã hút hồn khách nhậu khiến cho họ không cần kịp hỏi trước khi quay chim còn sống hay đã chết, là chim “tàu” hay chim ta mà chỉ “nháo nhào” vừa mua vừa ăn vì giá rẻ như mơ!
Từ các nguồn thông tin, có thể thấy thảm họa về sức khỏe là nhãn tiền vì các thức ăn trên là kết quả của “công nghệ chết”.
Vào trung tuần tháng Bảy vừa qua, ngành chức năng ở thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm đã phát hiện được một một xưởng gia công trứng vịt lộn từ… những con gà con chết. Ngoài loại “đặc sản” trứng vịt lộn từ gà con… chết nói trên, nhà xưởng này còn chuyên cung cấp “trứng gà tươi” mới ra thị trường từ trứng hỏng, trứng ung…
Được biết, những quả trứng đã hỏng, được các nhân viên thu gom từ các chợ về. Họ đập những quả trứng đó ra rồi khuấy trộn đều, rồi đổ ra khuôn có sẵn, sau đó đem chưng cách thuỷ và làm lạnh trở thành những quả trứng gà mới toanh và được… tuồn trở lại thị trường bán cho người tiêu dùng.
Chưa hết, gia cầm bị chết, váng mỡ trên nước cống được thu về để tái chế thành thịt quay, mỡ sạch… và nếu trốn được cơ quan pháp luật đưa thành công ra thị trường thì “mua thế nào cũng bán” bởi lợi mười mươi đã cầm chắc trong tay…
Ngày 13/11, Thanh tra Sở Y tế TP HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra hai cơ sở sản xuất bì heo tại phường 16, quận 8 và phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, phát hiện tại đây có khoảng một tấn da heo đã bốc mùi hôi thối đựng trong các thùng xốp hoặc ngâm trong các thùng nhựa bẩn sủi bọt trắng.
Đây là bì heo được thu mua từ nhiều lò mổ bất kể chất lượng rồi mang về ngâm vào nước ô xy già tẩy trắng sau đó vớt ra ngâm phèn chua cho giòn rồi xắt ra bán cho các chủ quán cơm tấm. Trước đó, vào giữa tháng 10/2009, ngành chức năng cũng phát hiện tại công ty chế biến thực phẩm tại quận 10 đang tồn kho 9,5 tấn thịt trâu đông lạnh trong đó có 1,5 tấn thịt trâu ngoại nhập và 8 tấn thịt trâu bò ế từ các chợ dồn về đã bốc mùi đang chuẩn bị được nhà sản xuất “hô biến” thành từng bao khô bò đắt tiền.
Không chỉ tại TP HCM, Đội Quản lý thị trường số 4 và Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phát hiện 26 bao tải đựng khoảng 2,6 tấn bì heo đã phân hủy đang được chuẩn bị vận chuyển vào Cần Thơ theo tuyến xe khách Hà Nội – Cần Thơ đến các lò sản xuất nem chua.
Trâu bò xẻ thịt tảng ra quầy hàng bán tươi, phụ phẩm còn lại được thu gom cho các cơ sở để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: Mỡ thắng nước, thịt xấu bạc nhạc trộn chung xay bò viên… Tại đây, tất cả nguyên liệu bầy nhầy bị vứt xuống đất cho ruồi nhặng bu, bốc mùi hôi thối, dụng cụ và nhà cửa dơ bẩn… sau khi pha chế với rất nhiều hóa chất, lại được tẩy trắng, tạo dai, tạo giòn, ướp mùi hương nhân tạo còn thơm hơn hương thật… “thứ phẩm” lò mổ trở thành đặc sản giá rẻ.
Rất nhiều trường hợp, người tiêu dùng biết rằng mua rau úa, thịt hôi, bèo nhèo da mỡ, trứng ung, dầu tái chế… là vô cùng độc hại đối với sức khỏe cho sau này, nhưng hiện tại bụng đói, lương có hạn mà ở thị trường “củi là quế, gạo là châu” thì có cách nào vẹn toàn để sống qua bữa đây?
Cũng như trồng cây, có cung cấp dinh dưỡng là có hoa trái và ngược lại, con người cũng vậy. Đã từng có một nghiên cứu nào ở nước ta đề cập tới bao nhiêu phần trăm người Việt Nam được cung cấp dinh dưỡng an toàn và bao nhiêu bị phơi nhiễm các chất độc hại từ thực phẩm?
Nước ta sắp trở thành nước công nghiệp và hiện nay chúng ta hầu như chỉ tập trung tới chiến lược đào tạo tay nghề. Vậy, còn sức khỏe và nói cho cùng là trí tuệ của học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động… đang phụ thuộc vào nguồn thực phẩm thứ cấp có giá rẻ sẽ ra sao sau chừng ấy năm nữa
Trong khi tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các mẫu đậu xanh và đậu Hà Lan tại một nhà máy chế biến thực phẩm, các nhân viên điều tra cải trang thành công nhân đã phát hiện ra dây chuyền sản xuất đậu giả: Đầu tiên những bao đậu tuyết, đậu nành khô lép được bỏ vào ngâm trong những thùng nước lớn có màu xanh nhạt.
Hỗn hợp này có chứa màu và metabisulfile natri, loại phụ gia có công dụng tẩy và chất bảo quản. Sau đậu được vớt ra, để ráo nước, những hạt đậu mốc meo lúc này cũng trở nên căng tròn, tươi ngon và chẳng khác gì hạt “đậu xanh thật”. Cách làm này được đánh giá là siêu lợi nhuận, vì cứ 1kg đậu tuyết sau khi chế biến sẽ cho ra 3kg đậu xanh giả, còn 1kg đậu nành cho 3,5kg.
PGS TS Nguyễn Thanh Bình
(Theo CAND)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến