Xu hướng mới trong chiến lược nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D)


Thay vì theo đuổi sản xuất các sản phẩm mới hoàn toàn, các công ty lớn trên thế giới đang chú trọng vào những cải tiến nho nhỏ trên sản phẩm sẵn có của mình. Trên trang web của công ty Gillette có khẩu hiệu chào mừng “Đổi mới là Gillette”, nhưng hiện nay ít có công ty lớn nào dám tuyên ngôn như vậy. Sản phẩm cải tiến mới nhất của Gillette sẽ xuất trên thị trường Mỹ trong tháng tới tiếp nối sản phẩm dao cạo 3 lưỡi đã rất phổ biến của họ. Tất nhiên đó sẽ không phải là loại dao cạo 4 lưỡi mà sẽ là loại dao “ướt” rung đầu tiên trên thế giới. Loại dao dùng pin này được thiết kế rung trên làn da khiến cho các quý ông có cảm giác “nhẵn nhụi hơn và thoải mái hơn” trong khi cạo râu.



Hoạt động khai trương sản phẩm mới này chứng tỏ một xu hướng kinh doanh mới rất quan trọng trên thị trường thế giới đó là: Những đổi mới sản phẩm mang tính đột phá đang ngày càng hiếm trên thị trường và các công ty lớn chỉ chú trọng áp dụng những cải tiến nho nhỏ đối với sản phẩm của mình. Ông Adrian Slywotzky, thuộc công ty tư vấn Mercer Management Consulting nhận xét: “Những đổi mới sản phẩm mang tính đột phá đang ngày càng trở nên hiếm hoi ở hầu hết mọi ngành công nghiệp”. Ví dụ, từ năm 1956 tới nay chưa hề có một loại thuốc nhuộm đơn lẻ mới nào được phát minh. Ngay cả trong một lĩnh vực kinh doanh sôi động như dược phẩm mà các loại sản phẩm mới ngày càng ít trong khi số sản phẩm là sự hoà trộn giữa các sản phẩm khác nhau lại tăng lên. Chi phí Nghiên cứu và Phát triển của ngành dược phẩm tăng gấp đôi trong thập kỷ qua nhưng số dược phẩm mới được Uỷ Ban Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê chuẩn hàng năm lại giảm tới 1/2.
Lý do các công ty lớn không muốn đầu tư cho hoạt động đổi mới triệt để sản phẩm bởi họ đang có thị phần lớn trên thế giới và khách hàng đã quen với sản phẩm của họ. Một khi tung sản phẩm mới được đổi mới triệt để ra thị trường, thị trường sẽ có những phản ứng thăm dò đối với sản phẩm mới này khiến việc tiêu thụ sản phẩm chững lại. Đây chính là lý thuyết “Thị trường chống lại đổi mới” mà giáo sư quản trị kinh doanh Clayton Christensen, trường đại học Harvard đề cập trong cuốn sách “The Innovator’s Dilemma”. Nhà nghiên cứu kinh tế Michael Hammer dẫn chứng một ví dụ, một công ty kinh doanh máy tính muốn lắp đặt hệ thống dây chuyền lắp ráp máy tính theo yêu cầu khách hàng giống của hãng Dell nhưng không thành bởi Giám đốc bộ phận sản xuất không tán thành bởi nó sẽ ảnh hưởng tới công việc của ông ta và cả giám đốc bộ phận tiếp thị cũng phản đối bởi e ngại làm phật lòng hệ thống đại lý bán lẻ của công ty. Vậy là sáng kiến này cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Theo giáo sư Christensen, lý do các công ty lớn chỉ mặn mà với những cải tiến sản phẩm nho nhỏ bởi nó đơn giản chỉ là cải tiến sản phẩm hiện có và dành cho những thị trường mà công ty đang nắm giữ./.
(Theo The Economist)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến