Thực phẩm chức năng- một số điều cần biết
Pháp lệnh Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP) ngày 7/8/2003 (điều 3 điểm 10) và Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 hướng dẫn quản lý sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) đều thống nhất khái niệm: “Thực phẩm chức năng (functional food) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”. Như vậy, TPCN là loại thực phẩm nằm giới hạn giữa thực phẩm (truyền thống – food) và thuốc (drug). TPCN thuộc khoảng giao thoa giữa thực phẩm và thuốc. Vì thế người ta còn gọi TPCN là thực phẩm – thuốc (food – drug).
Điểm khác nhau giữa TPCN và thực phẩm truyền thống:
TPCN được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn).
TPCN có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn (tác dụng với một hay một số chức năng sinh lý của cơ thể) hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. TPCN ít tạo ra năng lượng (calorie) cho cơ thể như các loại thực phẩm truyền thống (gạo, thịt, cá…)
Liều sử dụng TPCN thường nhỏ, thậm chí tính bằng miligram, gram như là thuốc. Đối tượng sử dụng có chỉ định rõ rệt như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh, người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…
Điểm khác nhau giữa TPCN và thuốc:
TPCN được nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn sức khoẻ, phù hợp với các quy định về thực phẩm.
Thuốc được nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng với công dụng chữa bệnh, phòng với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
Ví dụ: Trà bạc hà
– Nếu ghi trên nhãn: Nước uống giải nhiệt, thì là: Thực phẩm.
– Nếu ghi trên nhãn: Chỉ định điều trị rối loạn dạ dày, thì là: Thuốc.
TPCN có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng (thức ăn qua sonde), bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ. Người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo “hướng dẫn cách sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh kê đơn của thầy thuốc.
Phân loại TPCN:
Theo bản chất cấu tạo và tác dụng của TPCN mà người ta chia thành:
Nhóm TPCN bổ sung vitamin và khoáng chất: Loại này rất phát triển ở Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Nhật Bản… như việc bổ sung iode vào muối ăn, sắt vào gia vị, vitamin A vào đường hạt, vitamin vào nước giải khát, sữa… việc bổ sung này ở nhiều nước trở thành bắt buộc, được pháp luật hoá để giải quyết tình trạng “nạn đói tiềm ẩn” vì thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu iode, thiếu vitamin A, thiếu sắt). Ví dụ:
– Nước trái cây với các mùi khác nhau cung cấp nhu cầu vitamin C, vitamin E, B-caroten rất phát triển ở Anh.
– Sữa bột bổ sung acid folic, vitamin, khoáng chất rất phát triển ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý, Braxin…
– Bổ sung iode vào muối ăn và một số sản phẩm bánh kẹo được phát triển ở trên 100 nước.
– Bổ sung vitamin và khoáng chất vào các loại nước tăng lực được phát triển mạnh mẽ ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
– Bổ sung DHA, EPA, -3… vào sữa, thức ăn cho trẻ…
Nhóm TPCN dạng viên:
Đây là nhóm phong phú và đa dạng nhất. Tuỳ theo nhà sản xuất, có các dạng viên nang, viên nén, viên sủi, chứa các hoạt chất sinh học, vitamin và khoáng chất.
Ví dụ: Viên C sủi, viên tăng lực; viên đề phòng loãng xương (có nhiều canxi); viên đề phòng thoái hóa khớp; các loại thực phẩm chức năng chống ôxy hoá do các viên có chứa hoạt chất sinh học từ thảo dược…; thực phẩm chức năng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn thần kinh và các chứng, bệnh mạn tính khác.
Nhóm TPCN “không béo”, “không đường”, “giảm năng lượng”:
Nhóm trà thảo dược: Được sản xuất, chế biến để hỗ trợ giảm cân, giảm béo, phòng chống rối loạn một số chức năng sinh lý thần kinh, tiêu hóa, để tăng cường sức lực và sức đề kháng (ví dụ: trà giảm béo, trà sâm…) các loại thực phẩm này dành cho người muốn giảm cân, bệnh tiểu đường…
Nhóm các loại nước giải khát, tăng lực: Được sản xuất, chế biến để bổ sung năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể khi vận động thể lực, thể dục thể thao…
Nhóm thực phẩm giàu chất xơ tiêu hoá: Chất xơ là các poly-saccharide không phải là tinh bột, là bộ khung, giá đỡ của các mô, tế bào thực vật và có sức chống đỡ với các men tiêu hóa của người. Chất xơ có dụng làm nhuận tràng, tăng khối lượng phân do đó chống được táo bón, ngừa được ung thư đại tràng. Người ta theo dõi thấy, khối lượng phân nhỏ hơn 100g mỗi ngày dễ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Do đó cần có khối lượng phân lớn hơn 132g mỗi ngày. Điều đó cần lượng chất xơ còn có vai trò đối với chuyển hóa cholesterol, phòng ngừa nguy cơ suy vành, sỏi mật, tăng cảm giác no, giảm bớt cảm giác đói do đó hỗ trợ việc giảm cân, giảm béo phì, hỗ trợ giảm đái đường. Nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ được sản xuất, chế biến như các loại nước xơ, viên xơ, kẹo xơ…
Nhóm các chất tăng cường chức năng đường ruột bao gồm xơ tiêu hoá sinh học (probiotics) và tiền sinh học (prebiotics) đối với hệ vi khuẩn cộng sinh ruột già:
Các vi khuẩn cộng sinh(probiotics) là các vi khuẩn sống trong cơ thể, ảnh hưởng có lợi cho vật chủ nhờ cải thiện hệ vi khuẩn nội sinh. Các vi khuẩn này kích thích chức phận miễn dịch bảo vệ của cơ thể. Các thực phẩm chức năng loại này thường được chế biến từ các sản phẩm của sữa, tạo sự cân bằng vi sinh trong đường ruột. Ví dụ: Lactobacillus casein là một loại vi khuẩn gram (+), không gây bệnh, sử dụng rộng rãi trong chế biến sữa và đã thấy cải thiện miễn dịch tế bào của cơ thể. Người ta thấy vi khuẩn này có ích để đề phòng các dị ứng do IgE trung gian. Người ta cũng nhận thấy bifidobacteria có hoạt tính tăng cường miễn dịch và khả năng tạo phân bào cao.
Các prebiotics: Là các chất như oligosaccharide ảnh hưởng tốt đến vi khuẩn ở ruột làm cân bằng môi trường vi sinh và cải thiện sức khỏe. Các thực phẩm chức năng loại này cung cấp các thành phần thực phẩm không tiêu hóa, nó tác động có lợi cho cơ thể bằng kích thích sự tăng trưởng hay hoạt động của một số vi khuẩn đường ruột, nghĩa là tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển, giúp cải thiện sức khỏe.
Synbiotics: Là do sự kết hợp probiotics và prebiotics tạo thành. Synbiotics kết hợp tác dụng của vi khuẩn mới và kích thích vi khuẩn của chính cơ thể.
Nhóm TPCN đặc biệt:
Thức ăn cho phụ nữ có thai; thức ăn cho người cao tuổi; thức ăn cho trẻ ăn dặm; thức ăn cho vận động viên, phi hành gia; thức ăn qua ống xông dạ dày; thức ăn cho người có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh: người bị phenylketonuri, galactosemie…; thức ăn cho người đái tháo đường; thức ăn cho người tăng huyết áp; thức ăn thiên nhiên: tỏi, trà xanh, các chất sinh học thực vật…
PGS.TS Trần Đáng
Cục trưởng
Cục ATVS Thực phẩm -Bộ Y tế
Cục trưởng
Cục ATVS Thực phẩm -Bộ Y tế
Nhận xét
Đăng nhận xét